Những phát biểu của chính quyền Trump gần đây xung quanh chủ đề GDP đã và đang tạo nên không ít sóng gió trong giới nghiên cứu kinh tế thế giới. Trên cương vị là một nhà kinh tế học, tôi thiết nghĩ, cũng cần chậm lại một phút để suy nghĩ thấu đáo trước khi bình luận và phản biện.

Ở đây, tôi muốn nói về hai vấn đề lớn: Một là, từ nhiệm kỳ trước cho đến bây giờ, chính quyền Trump luôn chủ trương hạn chế nhập khẩu vì cho rằng nhập khẩu làm yếu đi nền kinh tế quốc dân (cụ thể là GDP). Hai là, gần đây chính quyền Trump cho rằng chi tiêu chính phủ cần được loại khỏi GDP để “đánh giá GDP cho đúng”.
Một, nhập khẩu và GDP
Nhiệm kỳ trước, Trump và đội ngũ tư vấn sử dụng đồng nhất thức thu nhập quốc gia (national income identity: GDP = C + I + G + NX) để chỉ trích tình trạng thâm hụt thương mại và cho rằng nó cần được loại bỏ. Khi đó, lập luận của họ khá ngô nghê khi cho rằng càng nhập khẩu nhiều, xuất khẩu ròng càng âm và vì vậy, GDP sẽ càng giảm. Khi đó, họ quên đi rằng cấu phần chi tiêu cho hàng nước ngoài trong C sẽ triệt tiêu nhập khẩu một cách cơ học [1].
Đến nhiệm kỳ này, Trump và đội ngũ tư vấn đã “nâng tầm” lý luận khi ghi nhận rằng một đồng chi cho nhập khẩu chính là một đồng được tính trong tiêu dùng khi xác định GDP. Nhưng lại tiếp tục kết luận theo hướng ngô nghê khác.
Cụ thể, Kevin Hasset, tác giả của Dow 36 000 (quyển sách được xuất bản ngay trước thềm Dow sập 40% năm 2002) và là Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia tư vấn trực tiếp cho Tổng thống Donald Trump, đã có trao đổi trên sóng truyền hình như sau (tóm tắt):
- $100.000 để mua một chiếc Mercedes (xe Đức) sẽ tính vào GDP qua tiêu dùng nhưng lại bị trừ khỏi GDP qua nhập khẩu, thế nên không có ảnh hưởng gì đến GDP.
- Số tiền đó mua một chiếc Buick (xe Mỹ) thì sẽ được tính vào GDP và không bị trừ ở đâu cả.
=> Và kết luận rằng, như vậy, để thực sự tốt cho người dân Mỹ, sẽ luôn tốt hơn nếu các thứ được sản xuất trong nước.
Trên cơ sở đó, Trump và chính quyền của mình tiếp tục theo đuổi việc hạn chế nhập khẩu, thậm chí mong muốn đưa cán cân thương mại về 0.
Về vấn đề này, chúng ta phải lưu ý mấy điểm sau:
Thứ nhất, người dân bỏ tiền ra mua hàng và sẽ chọn mua thứ mang lại giá trị cao nhất cho bản thân họ. Đúng, nếu họ mua xe Mỹ thì sẽ tốt hơn cho Mỹ, nhưng họ sẽ làm vậy khi giá trị sử dụng của chiếc xe Mỹ, với cùng giá giao dịch mua bán, cao hơn giá trị sử dụng của xe nhập khẩu. Vậy, đây là vấn đề của các nhà sản xuất xe, phải làm sao cho xe đem lại giá trị cao hơn hoặc giá phải rẻ hơn. Đây KHÔNG PHẢI VIỆC của Chính phủ.
Thứ hai, nếu Chính phủ can thiệp qua thuế quan hoặc các chính sách bảo hộ ngành khác, người dân sẽ bị buộc phải chấp nhận việc mua một thứ không xứng đáng. Các nhà sản xuất ô tô trong nước sẽ sản xuất nhiều hơn (mà không cần nỗ lực cải thiện chất lượng), huy động nhiều nguồn lực hơn và buộc cả nền kinh tế mất đi lợi thế cạnh tranh ở những lĩnh vực khác.
Thứ ba, nhìn rộng hơn, khi Chính phủ Mỹ hạn chế nhập khẩu, thậm chí đưa thâm hụt thương mại về 0, sẽ khiến: Một mặt, lượng đô la cung ứng cho thị trường ngoại hối sẽ giảm và đẩy giá đồng đô la lên, qua đó làm cho hàng xuất khẩu đắt hơn. Nhập khẩu đi xuống thì xuất khẩu theo đó cũng đi xuống. Mặt khác, trên thị trường tài chính (chứng khoán, trái phiếu,…), sức mua của khối ngoại sẽ giảm, thậm chí rút khỏi Mỹ (đơn giản là vì nguồn đô la cạn kiện). Điều này làm giảm giá trị các tài sản tài chính, đẩy lãi suất lên cao, làm suy giảm sức mua (C) và cơ hội đầu tư (I). Tất cả sẽ cùng làm GDP giảm đi.
Nói một cách ngắn gọn, lập luận của Kevin Hasset thực sự mang tính nguỵ biện khi dừng lại ở giữa chừng để truyền tải ý chí chủ quan và lờ đi chuỗi hệ quả có tính logic phía sau.
Kevin Hasset, trong bài phát biểu, đã réo tên Econ 101 làm căn cứ cho giải thích của mình. Ông trùm của các ông trùm Econ 101, Greg Mankiw của Harvard, đã phải lên tiếng phản bác: “No, Kevin, that's not the way we do it in Econ 101.” (Không, Kevin, đó không phải cách chúng tôi làm trong Econ 101.) [2]
Mankiw cũng phải cầu xin thêm rằng: “Please, Kevin, stop invoking Econ 101 to support President Trump's trade policies. It misleads the public, and it insults those of us who have spent our lives teaching (and writing textbooks for) Econ 101.” (Làm ơn, Kevin, dừng việc kêu tên Econ 101 để ủng hộ chính sách thương mại của Tổng thống Trump. Điều đó làm công chúng hiểu sai --- và nó xúc phạm chúng tôi, những người đã dành cả cuộc đời dạy (và viết sách giáo khoa cho) Econ 101.)
Hai, loại bỏ chi tiêu chính phủ khỏi GDP
Tóm tắt sự kiện và phân tích chuyên môn:
- Ngày 28/02 trên X, cụ Musk viết: "Một thước đo chính xác hơn của GDP sẽ không bao gồm chi tiêu chính phủ."
- Đến 02/03, trên sóng truyền hình, Howard Lutnick - Bộ trưởng Bộ Thương mại - phát biểu: "Bọn họ tính cả chi tiêu chính phủ vào GDP. Thế nên, tôi sẽ tách hai thứ này ra và làm nó minh bạch."
- Để bảo vệ quan điểm của mình, Musk viết tiếp: "Nếu đem hết công nhân sản xuất ô tô sang làm cấp bằng lái (ý là, để Chính phủ trả lương và trả ngang mức lương), chúng ta sẽ không có xe và mức sống sẽ suy giảm, nhưng GDP sẽ không đổi."
- Tương tự, ngài Bộ trưởng cũng giải thích thêm: "Nếu Chính phủ mua một chiếc xe tăng, đó là GDP. Nhưng trả tiền cho 1.000 người nghĩ về việc mua một chiếc xe tăng thì không phải GDP."
Tôi cảm thấy, phải nói là, rất bức xúc, nhưng cũng cố gắng bình tâm để phân tích và hiểu hơn cách tiếp cận của người phát biểu.
Về cơ bản, GDP có hai cách tiếp cận (bình tĩnh nhé các bình luận viên!).
Thứ nhất, GDP có thể hiểu là một khái niệm kinh tế để miêu tả “sự giàu có” của một quốc gia (nôm na, thu nhập/sản xuất/tiêu dùng cao đồng nghĩa với giàu có). Từ xa xưa cho đến hiện tại, những người trăn trở với sự phát triển của đất nước, bao gồm cả những người cầm quyền, những triết gia và nhân dân nói chung, luôn nghĩ về “sự giàu có” của đất nước mình qua việc có bao nhiều vàng, sản xuất được bao nhiêu, tiêu dùng được bao nhiêu hay mỗi người thu nhập trung bình được bao nhiêu v.v.. Khái niệm này có thể được đo lường khác nhau hay thậm chí tư duy khác nhau trong các tài liệu, nhưng có thể tìm thấy khá nhiều trong lịch sử. Điển hình là khi Adam Smith viết về “Sự giàu có của các quốc gia” năm 1776 (hơi gọi tắt chút), khái niệm GDP mà chúng ta đang nghĩ đến hiện nay còn chưa được hình thành. Và điều đó đem chúng ta đến cách tiếp cận thứ hai.
Thứ hai, GDP là một khái niệm kế toán. Khi đó, GDP được kiểm đếm theo các dòng tiền, các lĩnh vực kinh tế khác nhau và các cách khác nhau để có một số tổng mà chúng ta gọi là GDP. Khái niệm GDP hiện hành được Simon Kuznets phát triển trong báo cáo cho Quốc hội Mỹ năm 1936 và trở nên phổ biến hơn qua Thế chiến thứ Hai. (Và chính Bộ Thương mại Mỹ là cơ quan quyết định việc đề cao và phổ biến nó!) Tuy nhiên, đến tận năm 1991, Mỹ mới chính thức sử dụng GDP như công cụ chủ đạo để đo lường các hoạt động kinh tế.
GDP, theo cách tiếp cận kế toán, có 3 cách để đo -- i) qua tiêu dùng; ii) qua sản xuất; và iii) qua thu nhập. Ba cách này đều đưa đến kết quả giống nhau (tất nhiên, khi không có sai số thống kê) và cũng chính là cách để chúng ta kiểm tra chéo tính chính xác của việc thống kê. Đến nay, GDP kế toán đã trở thành công cụ hữu ích (và phổ biến) để dùng trong kinh tế học, vì nó cụ thể, đủ đúng và quan trọng hơn cả, vì tất cả mọi người khác đều dùng nó.
Nói vậy, bởi GDP kế toán không phải là một công cụ hoàn hảo -- chính cha đẻ của nó, Simon Kuznets, cũng đã nhấn mạnh ngay từ đầu. GDP kế toán không đo được chất lượng các hoạt động kinh tế; không đo được các hoạt động phi chính thức hoặc không được giao dịch bằng tiền; không đo được sự bền vững trong hoạt động kinh tế, sức khoẻ và sự hạnh phúc của người dân, vấn đề môi trường hay chất lượng cuộc sống; v.v.. Thậm chí khi so với GNI/GNP -- là chỉ số thu nhập/sản xuất của người dân một quốc gia, GDP kế toán lại loại bỏ các công dân/doanh nghiệp của quốc gia ở nước ngoài mà tính cả thu nhập/sản xuất của người nước ngoài ở trong nước.
(Đối với hầu hết các quốc gia hiện nay, đây không phải là vấn đề lớn vì những cái nằm ngoài GDP đều khá nhỏ. Trong khi đó, GDP lại cơ bản tỷ lệ thuận với những cái quan trọng như sức khoẻ, môi trường, chất lượng cuộc sống,… Tuy nhiên, với một số trường hợp cụ thể, việc sử dụng GDP cần phải được cân nhắc kỹ hơn. Bài viết năm 2020 của thành viên Hathaway Policy trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn về “GDP và GNI, đâu mới là phát triển thực sự?” là một ví dụ cụ thể [3])
Quay lại với các bình luận
Quay lại với các bình luận của những người thuộc chính quyền Trump về việc loại bỏ chi tiêu chính phủ khỏi GDP sau một chút phân tích và tìm hiểu bản chất GDP ở trên, có lẽ nhận định của những người quan sát như tôi sẽ khác đi một chút.
Thứ nhất, GDP kế toán chỉ là một định nghĩa kỹ thuật và việc kiểm đếm cái gì để cho vào đó là hoàn toàn tuỳ thuộc vào người cầm quyền. Simon Kuznets đã từng muốn loại bỏ chi tiêu quân sự ra khỏi GDP trong thời bình vì trong thời bình khoản chi tiêu này không để đổi lại sản phẩm/dịch vụ cuối cùng (súng không đem đi bắn, bom không ném, quân đội không đánh nhau, v.v.). Trái lại, nhiều người cho rằng các sản phẩm/dịch vụ không được trả công cũng phải được tính vào GDP vì nó quan trọng (ví dụ như chính bài viết cung cấp kiến thức công cộng hoàn toàn miễn phí này!). Tất nhiên, các ý tưởng trên không được thực hiện vì người nắm quyền quyết đã và đang quyết/mặc định là không làm. Dưới thời Trump, biết đâu mọi thứ đều thay đổi?
Thứ hai, việc điều chỉnh GDP kế toán là việc khả thi. Hiện nay, công tác kiểm đếm GDP đã đạt một độ phức tạp rất cao nhưng vẫn được thực hiện khá tốt. Ví dụ như đối với một trang trại nuôi gà, người ta sẽ tách được phần trứng bán cho người dân để cộng vào GDP và phần trứng bán cho các tiệm bánh để làm nguyên liệu đầu vào. Nếu chính quyền Trump loại chi tiêu chính phủ ra khỏi GDP, việc điều chỉnh kiểm đếm để không tính sản phẩm/thu nhập/tiêu dùng liên quan đến chính phủ cũng sẽ không quá phức tạp. Việc thúc đẩy quá trình này, chiếu theo lịch sử, cũng chính là vai trò của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Thứ ba, theo như phát biểu của Musk và Bộ trưởng Lutnick, loại bỏ chi tiêu chính phủ khỏi GDP không có nghĩa là bỏ hết, mà là một số đầu mục cụ thể. Quay lại ví dụ của Bộ trưởng Lutnick: “Nếu Chính phủ mua một chiếc xe tăng, đó là GDP. Nhưng trả tiền cho 1.000 người nghĩ về việc mua một chiếc xe tăng thì không phải GDP.” Tương tự như vậy trong ví dụ của Musk, cái mà những vị này đang tập trung vào có thể chỉ là phần chi lương. Loại bỏ phần này trong tính toán GDP sẽ loại bỏ được việc thuê 1.000 người đào một cái hố và thuê 1.000 người khác lấp cái hố đó để tăng GDP -- không hẳn là một ý tưởng tồi tệ!
Thứ tư, thực ra việc loại bỏ chi lương khỏi chi tiêu chính phủ khi tính toán GDP ở Mỹ có thể sẽ… chả ảnh hưởng gì đến GDP. Tính đến hiện nay, chính quyền liên bang Mỹ đang sử dụng khoảng 3 triệu người (không tính quân đội). Số tiền chi lương cho những người này là vào khoảng $336 tỷ một năm -- tương đương khoảng 5% tổng chi tiêu của Chính phủ và khoảng 1% GDP [4]. Con số này nhỏ hơn nhiều so với ở hầu hết các nước, và đủ nhỏ để có không tính thì cũng… không sao!
Nói như vậy không phải để bảo vệ hay thậm chí đồng ý với những lập luận của chính quyền Trump, mà chỉ để hiểu hơn một chút về lịch sử, bối cảnh và về cách tư duy của họ. Việt Nam ta có câu “một người lo bằng một kho người làm”, nên riêng việc cho rằng “1,000 người nghĩ về việc mua một chiếc xe tăng” là không xứng đáng cho vào GDP đã thấy là quá phiến diện. Chưa kể, sử dụng khái niệm GDP kế toán hiện hành, biết bao mô hình kinh tế đã được xây dựng, được phân tích, được sử dụng và phát triển cho đến bây giờ! Đập đi thì dễ, xây lại bao giờ mới xong? Và trong lúc chuyển giao thì lấy gì mà dùng?
Nếu hỏi các nhà kinh tế học đương đại, đa phần có lẽ sẽ không ủng hộ, không chấp nhận ý kiến của chính quyền Trump.
GDP kế toán, tôi nghĩ, là thứ cần được cải thiện. Có điều cải thiện kiểu như chính quyền Trump đang nói có vẻ không được tích sự gì!
Kết
Một trong những điều mà tôi rút ra sau khi quan sát chính quyền Trump là họ có những phát biểu gây sốc rất tốt vì nó khác, thậm chí tương phản, với tư duy “chính thống” chiếu theo lịch sử gần đây, theo truyền thống hay theo các tài liệu học thuật chính tông. Vả lại, rất nhiều trong số đó, nếu nghĩ một chút và cởi mở một chút, cũng không phải không có cái lý của nó. Cái cần quan tâm là với mỗi ý tưởng khác biệt, chúng ta cần một hệ tư tưởng được phát triển tương đối tốt đi kèm và những kế hoạch hành động cụ thể để hiểu, để triển khai./.
---------
[1] Về việc này, tôi đã có bài phân tích năm 2016. Link bài đầy đủ https://www.facebook.com/share/p/1FCXV5Sp1j/
[3] GDP và GNI, đâu mới là phát triển thực sự? https://www.huudao.com/research/sgt20200703)
Comments