GDP và GNI, đâu mới là phát triển thực sự?
Ireland không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới có mức chênh lệch dương giữa GDP và GNI ở mức cao song là quốc gia tiên phong trong điều chỉnh phương thức tính toán và sử dụng chỉ tiêu điều hành kinh tế. Bài viết từ trường hợp của Ireland đã cung cấp một góc nhìn toàn diện hơn về vai trò của hai chỉ tiêu này.
Bài viết “GDP và GNI, đâu mới là phát triển thực sự?” của ThS. Vũ Thị Hằng đã cung cấp một cái nhìn đa chiều và toàn diện hơn về tác dụng của GDP (tổng sản phẩm trong nước). Bài viết đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn bản in số 27-2020 (1.542) ngày 2/7/2020 và Thời báo Kinh tế Sài gòn Online ngày 03/7/2020.
Trong khi nhiều quốc gia đang coi GDP là “kim chỉ nam” của phát triển kinh tế - xã hội, GDP không thể hiện được lợi ích thực tế mà người dân trong nước nhận được trong một số trường hợp. GNI, số đo tổng thu nhập quốc gia, sẽ là một chỉ số phù hợp hơn, đặc biệt khi nền kinh tế tiếp nhận một lượng lớn FDI hàng năm. Nếu FDI không được chuyển thể hiệu quả thành thu nhập quốc dân, thuế hoặc nguồn lực tái đầu tư mở rộng sản xuất, mà chủ yếu để tạo ra lợi nhuận doanh nghiệp và chuyển ra nước ngoài cho chủ đầu tư, thì tăng trưởng thực tế nội địa có thể rất thấp.
Trên cơ sở nguyên lý ở trên và phân tích tình hình thực tế của Việt Nam, bài viết kiến nghị bổ sung chỉ số GNI trong các chỉ tiêu trung và dài hạn, lấy thu nhập của người lao động và mức sống của người dân làm thước đo cho sự phát triển kinh tế. Bài viết cũng nhấn mạnh, việc tính toán và sử dụng chỉ số này, có điều chỉnh với đặc thù kinh tế Việt Nam, sẽ góp phần phản ánh tốt hơn hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế đối với đời sống dân cư.
Xuất phát từ ví dụ điển hình của Ireland, bài viết làm rõ tầm quan trọng của đo đạc chỉ số GNI. Năm 2015, GDP của Ireland ghi nhận tăng ở mức 26,3% một năm, hứa hẹn vượt quy mô nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2037. Đây là mức tăng trưởng không tưởng, buộc Chính phủ Ireland phải rà soát và tính toán lại các chỉ số đo lường phát triển kinh tế. Đến năm 2017, khi tính toán chỉ số GNI, mức tăng trưởng kỷ lục của năm 2015 đã được lý giải là do hoạt động tái cấu trúc nội bộ và chuyển lợi nhuận của một số tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Ireland. Tính toán theo GNI điều chỉnh, nền kinh tế Ireland giảm 1/3 về quy mô; nợ công tăng 41% và cán cân vãng lai chuyển từ thặng dư sang thâm hụt. Bức tranh tuy kém lạc quan hơn, nhưng sát với thực tế hơn.
Tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, dòng vốn FDI chảy vào trong nước có tốc độ tăng mạnh mẽ, đi kèm với đó là tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI. Đặt giả thiết khoảng 75% lợi nhuận FDI được chuyển ra nước ngoài, tăng trưởng kinh tế thực tế của Việt Nam sẽ có thể khác với tăng trưởng GDP trong các báo cáo thường thấy. Tính toán này cũng khá phù hợp với số liệu chính thống về khoảng cách tăng dần giữa GDP và GNI của Việt Nam trong các năm qua.
Như vậy, Việt Nam có thể cũng rơi vào trường hợp mà chỉ số GDP không thể phản ánh hết sức khoẻ của nền kinh tế. Bổ sung theo dõi chỉ số GNI sẽ góp phần định hướng chính sách tốt hơn, đặc biệt trong việc thu hút FDI, phát triển lao động – việc làm và nâng cao mức sống dân cư./.
------------------
Xem thêm về bài viết tại: https://thesaigontimes.vn/gdp-va-gni-dau-moi-la-phat-trien-thuc-su/