top of page

Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam 2 tháng năm 2025

Ảnh của tác giả: Hữu ĐạoHữu Đạo

Các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 02 và hai tháng năm 2025 thể hiện nhiều tín hiệu cải thiện về trạng thái vĩ mô của nền kinh tế; giữ vững được đà tích cực này sẽ đưa đến triển vọng tăng trưởng kinh tế như (và thậm chí hơn) kỳ vọng, thể hiện ở một số điểm cụ thể như sau:



Thứ nhất, tính chung hai tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2024, là mức tăng cao thứ hai trong vòng 05 năm trở lại đây. Tính riêng tháng 02/2025, chỉ số này ước đạt 561,7 nghìn tỷ đồng, tuy giảm 2,5% so với tháng trước nhưng việc suy giảm nhu cầu mua sắm của người dân sau Tết Nguyên đán chỉ có tính chất thời vụ.

Thứ hai, lũy kế hai tháng đầu năm của chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số quản trị mua hàng tháng 02/2025 tăng lên mức 49,2 điểm[1], tăng 0,3 điểm so với tháng 01/2025. Tính riêng tháng 02/2025, chỉ số IIP ước tính tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy chỉ số này giảm 2,2% so với tháng trước nhưng là một dấu hiệu khá tích cực trong tương quan với mức giảm 9,2% của tháng 01/2025 so với tháng 12/2024.

Thứ ba, lĩnh vực đầu tư có sự khởi sắc đáng kể. Tính chung hai tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 73,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 8,5% kế hoạch cả năm, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam hai tháng đầu năm 2025 ước đạt 2,95 tỷ USD tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thu ngân sách lại đạt mức ấn tượng – chỉ trong hai tháng đầu năm 2025 đã đạt 499,8 nghìn tỷ đồng, bằng 25,4% dự toán cả năm và tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Việc thu ngân sách tốt sẽ tạo nguồn lực tài chính dồi dào cho giải ngân các dự án đầu tư công – vừa giúp kích thích tổng cầu cho năm 2025 vừa nhanh chóng hoàn thiện kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế của những năm tiếp theo.

Cuối cùng, xuất nhập khẩu hàng hoá tiếp tục duy trì sự sôi động khi cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2025 xuất siêu 3,02 tỷ USD nhưng lại đảo chiều nhập siêu tới 1,55 tỷ trong tháng 02/2025. Nếu tính chung cả hai tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 127,07 tỷ USD, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn riêng tháng 02/2025, nhập khẩu tăng mạnh với tỷ trọng nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm đến 93,7% hứa hẹn triển vọng gia tăng không nhỏ về số lượng đơn hàng xuất khẩu của những tháng tiếp theo.


Bên cạnh những tín hiệu tốt, các chỉ số về số lượng doanh nghiệp trong tháng 02/2025 lại đưa đến không ít quan ngại. Tiếp tục xu thế của nhiều tháng gần đây, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, dừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tiếp tục tăng cao. Bình quân một tháng có hơn 33,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều đáng mừng là bình quân một tháng có hơn 24,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số vốn đăng ký trung bình có xu hướng tăng dần. Vậy điều gì đang thực sự diễn ra đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân chính thức ở Việt Nam?


Nói tóm lại, các chỉ số kinh tế vĩ mô tổng quát của tháng 02 và hai tháng đầu năm 2025 đưa đến những tín hiệu tích cực và phục hồi. Điều này giúp tăng thêm tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tháng thứ hai của năm, Hathaway Policy vẫn kiến nghị cần thận trọng quan sát và với một mức độ lạc quan phù hợp./.


---------

 
 
 

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • Zalo

©2021 by Hathaway Group.

bottom of page