Tại thời điểm hiện nay và ở Mỹ, có lẽ chúng ta cũng biết, có rất nhiều sách cơ bản về kinh tế học dành cho những người mới tiếp cận về kinh tế, phổ biến nhất có lẽ là sách của Mankiw. Sách của Mankiw nổi tiếng vì cách viết đơn giản, dễ hiểu và dễ tiếp cận, làm tiền đề gợi mở cho việc nghiên cứu sâu sau này khi người đọc có nhu cầu. Trong bức tranh tổng quan về cách tiếp cận đối với môn Kinh tế, sách của Mankiw là đại diện cho một trường phái thịnh hành hiện nay: trường phái thị trường tự do với sự hạn chế vai trò của nhà nước trong việc khắc phục thất bại của thị trường.
Trong bối cảnh đó, The Economy – sách giáo khoa kinh tế thực hiện trong khuôn khổ của dự án CORE - đưa ra một cách tiếp cận khác. Xuất phát từ các vấn đề đang hiện hữu trong nền kinh tế như bất bình đẳng, số hoá, tính bền vững và khủng hoảng tài chính, thuế, thu nhập cơ bản, toàn cầu hoá v.v…, sách giới thiệu tới người đọc các bộ công cụ để phân tích và giải quyết các bài toán kinh tế - xã hội. The Economy giới thiệu các khái niệm kinh tế thường thấy như mô hình cung – cầu, tăng trưởng, chính sách can thiệp v.v… nhằm mục đích kiến tạo khung tư duy cho người đọc và khuyến khích người đọc đưa ra các giải pháp cần có.
Với cách tiếp cận như vậy, The Economy về cơ bản dẫn dắt người đọc không theo hướng dựa vào thị trường, mà theo hướng chủ động can thiệp. Một trong những hệ quả của con đường này là vai trò của các chính phủ sẽ được đẩy lên rất cao, không chỉ trong việc đưa ra các quyết sách về kinh tế quốc gia mà cả các quyết sách mang tính hợp tác, phối hợp với nhau, chấp nhận hi sinh lợi ích quốc gia trước mắt vì lợi ích nhân loại trong lâu dài.
Cuốn sách The Economy hiện đang nhận nhiều sự chú ý và đang trở nên ngày càng phổ biến trong các lớp học sơ đẳng về kinh tế. Theo ước tính của dự án, khoảng 379 trường đại học ở Mỹ và trên toàn thế giới, bao gồm cả những tên tuổi quen thuộc như Yale, Duke, Indiana University, RMIT (Úc), Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Fulbright và Đại học Ngoại thương ở Việt Nam… đang sử dụng The Economy trong giảng dạy ở các cấp độ và hình thức khác nhau.
Để hiểu được giá trị mà The Economy có thể đem lại, chúng ta hãy tua lại lịch sử dạy và học Kinh tế (ở Mỹ) một chút; và ghi nhớ rằng Samuelson, người đầu tiên của Mỹ được giải Nobel về Kinh tế, đã từng nói: “Tôi không quan tâm ai viết luật cho đất nước, hay thiết kế các hiệp ước tối cao --- miễn sao tôi là người viết sách giáo khoa về kinh tế.”
Năm 1776, nước Mỹ tuyên bố độc lập khỏi Đế quốc Anh. Đây cũng là năm mà Adam Smith xuất bản cuốn “The Wealth of Nation”, định hình điểm xuất phát hệ thống cho tư duy kinh tế thị trường tự do. Trong hơn 100 năm tiếp theo, cơ bản đây là cách tiếp cận khởi đầu chủ đạo cho việc học, nghiên cứu và thực thi các quyết định về kinh tế, sóng đôi và sản sinh ra những tên tuổi kinh điển trong kinh tế học như Hasegawa, Malthus, Mill, Walras, Pareto, Dupuit hay Jevons. Hơn thế nữa, nền chính trị Mỹ trong 100 năm này chủ yếu xoay quanh những lý luận về sự vĩ đại của thị trường tự do, của việc phân tán quyền lực kinh tế và đề cao quyền tự quyết cho cá nhân, doanh nghiệp và tiểu bang.
Năm 1890, Alfred Marshal xuất bản một phiên bản sách giáo khoa với trường phái cung – cầu kinh điển, tập trung nhiều vào hành vi con người, tương tác xã hội và kinh tế ngành (vi mô). Marshal có hai đóng góp làm thay đổi cách người ta học và thực hành kinh tế. Thứ nhất là cách sử dụng biểu đồ (graph) trong việc phân tích kinh tế. Đến giờ, ở mức cao nhất, phương thức này vẫn được sử dụng. Thứ hai là cách phân tách thị trường thành cung và cầu với sự vận hành riêng biệt; theo đó, “giá cả” không nhất thiết phản ánh “giá trị” mà là hệ quả của cung – cầu. Đây là một trong những nền tảng cơ bản cho trường phái kinh tế học cổ điển. Cùng với sự phổ cập của trường phái này là việc nước Mỹ chuyển hoá từ nền kinh tế đang phát triển sang nền kinh tế phát triển, dẫn dắt bởi lớp chính trị gia hành xử theo cách dọn đường cho cung và cầu tự do vận động.
Đến năm 1948, Paul Samuelson viết cuốn Economics và soán ngôi thống trị thị trường sách giáo khoa kinh tế trong 30 năm tiếp theo. Trường phái của Paul Samuelson là trường phái kinh tế học Keneysian, với cách tiếp cận trọng cung và đề cao vai trò của nhà nước trong việc dẫn dắt thị trường, chủ động điều chỉnh kinh tế vĩ mô ngắn hạn qua các biện pháp tài khoá và tiền tệ. Không phải ngẫu nhiên mà giai đoạn này, nền chính trị Mỹ chịu ảnh hưởng, thậm chí bị dẫn dắt, bởi những quan điểm như vậy.
Trong giai đoạn những năm 70, 80 và 90, thị trường sách giáo khoa kinh tế có sự phân tán với những tên tuổi như Friedman, Dornbusch hay Minsky tập trung vào sự vận động của tiền tệ, ngoại hối, dòng vốn… phản ánh tâm tư của các quốc gia sau sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ toàn cầu Bretton Woods; hay Varian, Lucas… phản ánh sự trỗi dậy mạnh mẽ của các mô hình toán học trong kinh tế. Giới chính sách cũng được chứng kiến sự phân hoá đối lập giữa Tổng thống Reagan với trường phái thị trường tự do và Tổng thống Clinton với trường phái can thiệp chính phủ.
Đến năm 1997, Greg Mankiw tham gia vào thị trường sách giáo khoa kinh tế và nhanh chóng khẳng định vị thế tới tận bây giờ (2021) với hai đầu sách chính về Kinh tế cơ bản, Kinh tế vĩ mô. Cách tiếp cận của Greg Mankiw quay lại với cách tiếp cận đề cao sự vận động của thị trường tự do, cơ bản dẫn dắt người đọc đến kết luận nhiệm vụ chính của nhà nước là tránh đường cho thị trường đi --- chỉ tham gia khắc phục các thất bại của thị trường khi các thất bại đó đã trở nên rõ ràng. Cũng không phải tự nhiên giới chính trị gia của Mỹ cũng đang bám sát với quan điểm này.
Quay lại với quyển The Economy, nhóm tác giả thuộc dự án CORE cho rằng cách tiếp cận hiện nay đang bỏ quên các vấn đề căn cốt mà nền kinh tế đang đối mặt; và vì vậy, cần thiết phải cho ra đời cách tiếp cận mới. Thị trường không quan tâm đến bất bình đẳng, đến biến đổi khí hậu, đến tính bền vững hay về thu nhập cơ bản. Không quan tâm thì không thất bại. Không thất bại, thì theo cách tiếp cận hiện tại, nhà nước cũng không có vai trò gì. Trường phái cổ điển cho rằng thị trường sẽ tìm đến điểm cân bằng tốt đẹp trong dài hạn. Trường phái Keynesian thì tập trung vào ngắn hạn. Vậy những vấn đề dài hạn mà thị trường không xử lý được thì sẽ ra sao?
Sử dụng số liệu và những nghiên cứu định lượng hiện có, dự án CORE xác định những vấn đề dài hạn. Trong quyển The Economy, nhóm tác giả cũng không mạnh dạn khẳng định các giải pháp cho các vấn đề đó. Mục tiêu của họ khá gọn gàng, phù hợp với một quyển sách giáo khoa sơ đẳng: Giới thiệu các bộ công cụ kinh tế để người học có thể phân tích, và đâu đó trong tương lai, sẽ giải quyết các vấn đề cần giải quyết.
Có một lập trường mà The Economy nêu ra khá rõ: Chúng ta --- nhà nước và người dân --- phải chủ động ngay từ bây giờ để phân tích và giải quyết các vấn đề đó.
Tại thời điểm này, không rõ The Economy của Core có thực sự trở nên phổ biến và dẫn dắt được giới chính sách tương lai không, nhưng dù sao đây vẫn là một cuốn sách giáo khoa đáng để đọc --- đặc biệt cho những người đã từng đọc các cuốn sách giáo khoa khác.
Sách được xuất bản miễn phí tại địa chỉ https://www.core-econ.org/the-economy./.
Comments