Tin tức tuần 11-15/10/2021, có thể điểm qua một vài tin chính như sau:
Về diễn biến liên quan đến dịch Covid-19, Bộ Y tế nhận định việc chống dịch Covid-19 đang đi đúng hướng với việc triển khai 5 trụ cột chính: (i) triển khai cách ly F1 tại nhà để giảm áp lực cho các cơ sở y tế và giảm lây nhiễm chéo; (ii) phân công bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ trực tiếp các tỉnh phía Nam theo mô hình tháp ba tầng; (iii) thực hiện cách ly, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà; (iv) thành lập các bệnh viện dã chiến và các trung tâm hồi sức tích cực; (v) điều động khoảng 20.000 sinh viên y khoa, cán bộ y tế trực tiếp vào các tỉnh phía Nam chống dịch.
Ngày 14/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động được trong đại dịch Covid-19. Tính đến 15/10/2021, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68 trên toàn quốc là 18,46 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trên 21,39 triệu lượt đối tượng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đồng ý triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi và sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 tại các địa phương chuẩn bị đủ điều kiện.
Về diễn biến kinh tế-xã hội, theo báo cáo tháng 09/2021 của WB thông tin GDP của Việt Nam đã giảm 6.2% so với cùng kỳ năm 2020. Trước những khó khăn và thách thức của dịch bệnh Covid-19, WB đưa ra nhận định GDP 2021 của Việt Nam sẽ chỉ đạt được mức 2%-2.5%. Theo WB, việc vận hành trở lại của nền kinh tế cũng sẽ đối diện với một số thách thức trong thời gian tới như rủi ro thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng. Để giải quyết những thách thức đó, WB đưa ra 03 khuyến nghị cụ thể có thể thực hiện: giảm sự cứng nhắc về thủ tục trong chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển để hỗ trợ tổng cầu; mở rộng hơn nữa việc hỗ trợ người lao động cả chính thức và phi chính thức cũng như các hộ gia đình để sớm trở lại sản xuất – kinh doanh trong trạng tháng bình thường mới; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đặc biệt trong ngành dịch vụ - sản xuất.
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, thị trường lao động hiện nay đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, hàng loạt kỷ lục tiêu cực được xác lập, hàng triệu lao động bị mất việc làm và cắt giảm thu nhập, cơ hội tìm kiếm việc làm gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu cho thấy số lượng lao động trong ngành dịch vụ đã giảm 2,3 triệu người và ngành công nghiệp/xây dựng giảm 0.9 triệu người trong quý III/2021 so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông, lâm, thủy sản có xu hướng tăng do chủ yếu là số lao động mất việc làm tại tỉnh thành quay trở về địa phương. So sánh số người lao động chính thức có việc làm trong độ tuổi lao động tại Quý III/2020 và Quý III/2021 có thể thấy giảm gần 500 nghìn người.
Đây là những con số rất đáng chú ý khi tiềm ẩn số lượng chưa thống kế được những người lao động rời khỏi thị trường lao động, có thể mang đến những tác động tiêu cực trong cung-cầu của lực lượng lao động và thị trường việc làm sau thời kỳ dịch bệnh.
Một điểm đáng chú ý khác trong tuần qua là vấn đề nợ công 2021 của Chính phủ. Nợ công năm 2021 dự kiến ở mức 3,708 triệu tỉ đồng – bằng 43,7% GDP và thấp hơn nhiều so với mức trần dưới 60% GDP được phê chuẩn. Để nguồn huy động vốn được duy trì bền vững và có khả năng chi trả nợ công, các nguồn vay trong nước có kỳ hạn ngắn, vay từ ngân quỹ nhà nước hoặc phát hành trái phiếu chính phủ có thể là những biện pháp mà Chính phủ có thể cân nhắc thực hiện trong thời gian tới.
Xem thêm nội dung chi tiết hơn ở slides bên dưới./.
Comments