Xin chào các bạn trong Hathaway Policy Group. Tuần qua, một trong những sự kiện nổi bật liên quan đến sự quan tâm của Nhóm là việc công bố giải thưởng Nobel Kinh tế, theo đó ba nhà nghiên cứu kinh tế được trao giải là David Card của Đại học California, Berkeley, Joshua Angrist của MIT và Guido Imbens của Đại học Stanford.
Chi tiết về giải Nobel Kinh tế, về ba nhà nghiên cứu này và về những đóng góp của họ đã được bàn ở nhiều bài báo, nhiều nguồn khác nhau. Có lẽ Nhóm cũng không cần bàn quá sâu.
Tuy nhiên, có một góc nhỏ mà chúng ta nên biết, có thể thảo luận thêm, xung quanh vấn đề này, tạm tóm tắt bằng tiêu đề: “Nhiều khi sai lại tốt!”
Trong ba người nhận giải Nobel Kinh tế 2021, Card nhận một nửa giải vì những sự đóng góp định lượng trong lĩnh vực kinh tế lao động, cụ thể là bài nghiên cứu “Minimum Wages and Employment: A Case Study of the Fast-Food Industry in New Jersey and Pennsylvania” thực hiện cùng Alan Krueger vào năm 1994. (Alan Krueger, có thể nói, nổi tiếng hơn Card, nhưng đáng tiếc đã tự vẫn vì trầm cảm năm 2019. Có lẽ đây cũng là lý do mà Card được đại diện cho nghiên cứu và nhận ½ giải Nobel).
Bài nghiên cứu đã làm rung chuyển giới kinh tế học khi bóc tách chính sách tăng lương tối thiểu của bang New Jersey để so sánh với bang Pennsylvania và đi đến kết luận: Tăng lương tối thiểu dẫn đến tăng việc làm. Đây là cú sốc lớn đối với tư duy cung – cầu truyền thống, khi giá lao động (lương) tăng lên thì cầu lao động (số lượng việc làm) sẽ giảm xuống.
Đây chính là lý do mà nghiên cứu của họ trở nên rất nổi tiếng. Phương pháp định lượng của họ vì thế được sử dụng rộng rãi. Và vì vậy, Card được trao giải Nobel Kinh tế học.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn một chút, Neumark của Đại học California, Irvine và Wascher của Fed đã có một loạt nghiên cứu vào năm 1994, 2000, 2006 và 2008 để chứng minh rằng số liệu của Card và Krueger, thu thập từ việc gọi điện thoại cho đối tượng liên quan, là số liệu không hoàn chỉnh. Sử dụng số liệu tiền lương (thực tế hưởng), Neumark và Wascher đã chứng minh rằng việc bang New Jersey tăng lương tối thiểu thực tế đã làm giảm việc làm ở New Jersey --- giống như các mô hình kinh tế vẫn tiên lượng.
Năm 2000, Card và Krueger trả lời Neumark và Wascher, cập nhật nghiên cứu của họ và thừa nhận “tăng lương tối thiểu không có ảnh hưởng gì tới việc làm”. Mặc dù đây vẫn là kết quả tốt, nhưng nếu đây là kết luận ban đầu của họ vào năm 1994 thì có lẽ ít ai sẽ chú ý.
Các nghiên cứu sau này, sử dụng phương pháp của Card and Krueger hoặc các phương pháp khác, sử dụng các bộ số liệu đầy đủ hơn, đều đưa đến kết luận tương đối thống nhất: Tăng lương tối thiểu sẽ giảm, hoặc không có ảnh hưởng, đến việc làm. Mô hình kinh tế cung – cầu kinh điển vẫn luôn đúng và cơ bản nghiên cứu ban đầu của Card và Krueger đã có kết quả không chính xác.
Nhưng vì họ có kết luận sai nên họ được chú ý. Vì họ được chú ý nên phương pháp của họ được sử dụng rộng rãi. (Phương pháp sử dụng các “thí nghiệm tự nhiên” để phân tích biến động kinh tế.) Và hôm nay, trong sự vắng mặt của Krueger, Card được nhận ½ giải Nobel Kinh tế.
Vậy đó, “nhiều khi sai lại tốt!”. Tốt cho cá nhân Card nói riêng, và tốt cho cả ngành kinh tế định lượng nói chung.
Là những người làm nghiên cứu, dám làm, dám sai cũng là điều chúng ta nên học!
Opmerkingen