top of page
Ảnh của tác giảNguyễn Tùng Anh

Đứt gãy chuỗi cung ứng - chuỗi giá trị

Đã cập nhật: 7 thg 1, 2022

Tổng hợp các thông tin nổi bật trong tuần 18 – 24/9 xoay quanh chủ đề chính là đứt gãy chuỗi cung ứng – chuỗi giá trị trên thế giới và tại Việt Nam với các nhóm nội dung như sau:


Tổng quan

Theo Michael Porter (1985), một chuỗi giá trị là tập hợp các hoạt động được thực hiện bởi một doanh nghiệp nhằm tạo ra giá trị cho người tiêu dùng trong khi một chuỗi cung ứng bao gồm tất cả các chủ thể liên quan đến việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng, dù là trực tiếp hay gián tiếp (Chopra and Meindl, 2016). Với phạm vi ảnh hưởng toàn cầu và rất nhiều chủ thể liên quan, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, đứt gãy chuỗi cung ứng trở thành vấn đề mà nhiều quốc gia và gần như toàn bộ các thành phần trong nền kinh tế phải đối mặt.


Trên phạm vi toàn cầu, tại những nước mà nền kinh tế đang mở cửa trở lại, những xáo trộn trong xu hướng tiêu dùng khiến cầu vượt cung. Điều này tạo ra áp lực cho khu vực chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa, làm chi phí vận chuyển tăng cao trên toàn cầu. Nhiều nhóm ngành của các nước đang mở cửa lại cũng chịu ảnh hưởng do thiếu hụt lao động. Đồng thời, thiếu hụt lao động còn ảnh hưởng đến các nước là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCs) nhưng lại đang chịu ảnh hưởng của biến chủng Delta.


Tại Việt Nam, trong tháng 8 năm 2021, nhiều chỉ số cho thấy sản lượng sản xuất giảm mạnh, hoạt động sản xuất bị đình trệ, số lượng việc làm bị ảnh hưởng mạnh và thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài kỉ lục. Tuy nhiên, ở mặt tích cực, xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo vẫn duy trì được phong độ và vị thế; đầu tư nước ngoài vẫn gia tăng dù với tốc độ chậm hơn so cùng kỳ, nhiều khoản đầu tư lớn từ các doanh nghiệp như LG, Jinko Solar, Fukai Technology,… vẫn đổ vào các dự án và khu công nghiệp, đặc biệt là các dự án về năng lượng.


Tình hình thế giới

Đứt gãy GSCs là một vấn đề kéo dài từ khi dịch Covid-19 mới chớm xuất hiện cho đến hiện tại. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia là mắt xích quan trọng trong GSCs. Việc sản xuất bị đình trệ, nhiều bến cảng lớn buộc phải đóng cửa, thiếu hụt lao động ảnh hưởng đến bộ máy nhân sự vận hành GSCs khiến hoạt động vận chuyển và cung cấp hàng hóa bị gián đoạn. Chi phí vận chuyển tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương thức giao hàng, dẫn đến thời gian giao hàng bị kéo dài gây ra sự chậm trễ. Sự thiếu hụt của một hàng hóa là nguyên liệu đầu vào gây ra ảnh hưởng đến nhiều nhóm ngành khác, hay còn gọi là hiệu ứng tầng (cascade effect).


Nhiều giải pháp đã được thực hiện hoặc đề xuất trên phạm vi toàn cầu. Cụ thể, các doanh nghiệp cần xem xét lại cách quản lý vận hành chuỗi cung ứng và cần có phương án dự phòng cho các tình huống khác nhau có thể xảy ra trong tương lai. Cùng với đó, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không để bị lệ thuộc vào một hoặc một vài quốc gia cung cấp là giải pháp đã được cân nhắc từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và tiếp tục được đề xuất ở thời điểm hiện tại. Một giải pháp khác là dịch chuyển chuỗi sản xuất về gần hơn với địa phương của doanh nghiệp hay xu hướng khu vực hóa và nội địa hóa. Đối với bài toán thiếu hụt lao động, cần có những chính sách để khuyến khích người lao động trở lại làm việc. Sự thiếu hụt trong nguyên liệu đầu vào có thể được giải quyết bằng việc sử dụng linh hoạt các phương án sản xuất khác nhau. Cuối cùng, những chính sách ổn định xu hướng tiêu dùng, tránh việc tiêu dùng tăng quá mạnh gây sức ép lên GSCs cũng được đề xuất song còn gây nhiều tranh cãi.


Tình hình Việt Nam

Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy vậy, đang có những câu hỏi được đặt ra đối với vị thế của Việt Nam trong tương lai do những ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch gần nhất. Những dấu hiệu đứt gãy trong chuỗi cung ứng Việt Nam hiện hữu một cách rõ ràng qua số liệu các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, những gánh nặng về chi phí mà doanh nghiệp phải đối mặt cũng như những khó khăn khi duy trì sản xuất trong điều kiện giãn cách. Những hệ lụy ngắn hạn có thể xảy đến là thiếu nguyên liệu đầu vào và thiếu đơn hàng khi dịch bệnh lắng xuống. Trong dài hạn, các chuyên gia và tổ chức quốc tế có những cái nhìn khá tích cực về tiềm năng của Việt Nam trong việc tiếp tục tham gia vào GSCs và sự hồi phục của dòng vốn FDI. Trong khi đó, nhiều hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài có góc nhìn kém lạc quan hơn và cho rằng đứt gãy chuỗi cung ứng đang khiến các doanh nghiệp phải di dời chuỗi sản xuất sang nước khác.


Dù ở góc nhìn nào, một thực tế có thể nhìn thấy là nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong dịch. Ví dụ, vào cuối tháng 7 năm 2021, Bộ Công thương đã ban hành Công văn số 4481/BCT-TTTN về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có một cách hiểu khác nhau, dẫn đến hàng hóa lưu thông ở vùng này lại bị tắc nghẽn ở vùng khác. Các sáng kiến “Ba tại chỗ”, “Một cung đường – Hai điểm đến” cũng làm gia tăng chi phí và gây ra nhiều rủi ro về kiểm soát dịch bệnh cũng như ảnh hưởng tâm lý kinh doanh của doanh nghiệp. Kể cả sau điều chỉnh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện. Thiếu các hướng dẫn rõ ràng và cụ thể, thiếu kế hoạch dài hạn, hoạt động sản xuất kinh doanh khó có thể sớm quay lại hoạt động với công suất và năng suất như trước dịch.


Kết luận và khuyến nghị

Với thực tế đứt gãy chuỗi cung ứng – chuỗi giá trị ở Việt Nam, các khuyến nghị có thể cân nhắc bao gồm: (i) đơn giản hóa (bằng cách áp dụng công nghệ) và/hoặc minh bạch hóa các thủ tục; (ii) tăng tốc tiêm vaccine để giải quyết bài toán “thẻ xanh”, giúp ổn định tâm lý của người dân và doanh nghiệp khi quay trở lại sản xuất; (iii) tiếp tục chú trọng công tác cải thiện môi trường kinh doanh; (iv) doanh nghiệp tự chủ động tháo gỡ khó khăn, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh và có những phương án thích nghi phù hợp.


Xem thêm nội dung chi tiết hơn ở slides bên dưới./.




140 lượt xem1 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

1 Comment


Xuan Hai DOE
Xuan Hai DOE
Sep 28, 2021

Bài viết rất hay, có tính tổng hợp cao, giúp người đọc nắm bắt tình hình một cách ngắn gọn. Mình có một câu hỏi là tình trạng này (đứt gãy) có ảnh hưởng tạm thời hay lâu dài? Hay cụ thể hơn, cái gì sẽ đứt tạm thời (nối thế nào?) và cái gì sẽ gãy lâu dài (hàn thế nào?)? 😅

Like
bottom of page