Trong loạt bài về những lý thuyết kinh tế có tầm ảnh hưởng nhất, tờ Economist đã đăng bài (link: https://www.economist.com/schools-brief/2016/08/27/two-out-of-three-aint-bad ) giải thích về khái niệm “Tam nan kinh tế,” (trilemma/impossible trinity) hay nôm na là bộ ba chính sách kinh tế không thể thực hiện đồng thời (dịch theo Wiki).
[cái bên dưới gọi là Hình 1, vậy cái này gọi là gì?)
Bộ ba chính sách này bao gồm cho phép dòng vốn nước ngoài lưu chuyển tự do, giữ khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ nội địa, và giữ tỷ giá hối đoái cố định.
- Khi dòng vốn lưu chuyển tự do, các nhà đầu tư (cả trong nước và quốc tế) có thể chuyển tiền ra vào quốc gia một cách dễ dàng, giúp việc đầu tư hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới việc vốn nội địa “ồ ạt” chảy ra ngoài, gây khó khăn cho đầu tư và tiêu dùng trong nước.
- Với khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ, chính phủ có thể tăng giảm lãi suất, bơm/rút tiền khỏi thị trường để điều hành lạm phát ngắn hạn. Mặt trái của việc lưu giữ khả năng này trong chính phủ nằm ở chỗ khi thị trường không tin vào cách điều hành của ngân hàng trung ương, hay biết ngân hàng trung ương có xu thế bơm tiền để đẩy mạnh phát triển kinh tế ngắn hạn, chính sách tiền tệ không còn hiệu quả, có thể dẫn đến mất kiểm soát lạm phát.
- Còn với tỷ giá hối đoái cố định, giao dịch thương mại quốc tế sẽ ít rủi ro hơn, góp phần đẩy mạnh sự hoà nhập của nền kinh tế nội địa với thế giới. Tuy nhiên, khi tỷ giá hối đoái bị định giá quá sai với giá thực, các nhà đầu tư đẩy mạnh đầu cơ, phá vỡ tỷ giá, gây đến bất ổn định thị trường hoặc thậm chí khủng hoảng tài chính.
Lý thuyết “tam nan kinh tế,” được phát triển bởi Robert Mundell và Marcus Fleming, cho rằng chính phủ chỉ có thể chọn HAI trong BA chính sách. Một số nghiên cứu mới, dẫn đầu bởi Helene Rey, cho rằng hai trong ba thực ra là đã hơi tham vọng rồi. Khi thả nổi tỷ giá hối đoái và cho phép vốn lưu thông tự do, các nước hy vọng có thể giữ được khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ nội địa. Tuy nhiên, trong môi trường quốc tế hoá hiện nay, lãi suất ở các nước đều bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ của Mỹ, lên xuống theo điều chỉnh của Fed. Khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ của các chính phủ (thậm chí ở Anh, Canada, hay New Zealand) giảm đi rất nhiều---nếu không nói là mất hẳn.
Như vậy, “tam nan kinh tế” thực ra chỉ là lựa chọn giữa việc để vốn lưu chuyển tự do, hay lưu giữ quyền điều khiển thị trường tiền tệ trong nước. Tuy nhiên, Economist cũng đưa ra quan điểm rõ ràng trong bài: thà mở cửa dòng vốn và giữ được khả năng điều khiển tiền tệ nội địa phần nào hay phần đó, còn hơn là giữ tỷ giá hối đoái cố định để bị trói buộc hoàn toàn khi khủng hoảng xảy ra.
Ngoài việc giải thích lý thuyết, nghiên cứu của Economist còn lồng vào các ví dụ lịch sử cụ thể, như sự thành lập và tan rã của hệ thống Bretton Woods (hầu hết các nước đồng ý với tỷ giá hối đoái cố định, cơ bản là đối với đồng đô la; đổi lại, dòng vốn quốc tế bị kiểm soát và hạn chế), trường hợp đặc biệt của Canada (được phép thả nổi tỷ giá trong hệ thống Bretton Woods khi việc hạn chế dòng chảy vốn qua lại với Mỹ là không thể), và các nước châu Âu “hy sinh” chính sách tiền tệ nội địa trước 1999 để tiến tới thiết lập khối đồng tiền chung (dòng vốn lưu chuyển tự do + tỷ giá hối đoái cố định).
Một điều có lẽ là ít được biết đến nêu ra trong bài của Economist đó là hoá ra ý tưởng về “tam nan kinh tế” nguyên thuỷ là của… John Maynard Keynes. Giống như John Hicks và Alvin Hansen đã mô hình hoá ý tưởng của Keynes qua mô hình IS-LM, dường như Mundel và Flemming cũng làm vậy qua mô hình của họ. Tất các ý tưởng vĩ mô giai đoạn này xem chừng đều đi ra từ những bài viết của Keynes.
Khái niệm “tam nan kinh tế” là một khái niệm cơ bản, thường được phổ cập ở những lớp kinh tế liên quan đến tài chính quốc tế, gắn liền với các hệ quả của các lựa chọn chính sách có liên quan. Một khóa học về tài chính quốc tế có thể được tóm tắt bằng Hình 1, trong đó “tam nan kinh tế” được thể hiện qua hình tam giác ở góc trên bên phải. Khái niệm này là điểm xuất phát cho các phân tích chính sách liên quan đền tài chính quốc tế. Với các nước có dòng vốn lưu chuyển tự do và chủ động trong chính sách tiền tệ, sự ảnh hưởng của chính sách tới giao động của tỷ giá, tới GDP, đầu tư và xuất nhập khẩu được tóm tắt như trong hình.
Hình 1: Tóm tắt Lý thuyết cơ bản của Tài chính quốc tế
Comentários