top of page
Ảnh của tác giảHữu Đạo

Việc làm thoả đáng trong khu vực lao động phi chính thức Việt Nam

Đã cập nhật: 13 thg 4

Ngày 25 tháng 10 năm 2023, ThS. Chu Thị Lê Anh - cố vấn cao cấp của Hathaway Policy đã trình bày tham luận với chủ đề Việc làm thoả đáng trong khu vực phi chính thức tại Việt Nam tại hội thảo Triển khai chương trình hợp tác quốc tế Việt Nam - ILO về Việc làm thoả đáng 2022-2026.


Trong bài trình bày của mình, ThS. Lê Anh đã phân tích sự tính chất việc làm của người lao động phi chính thức (PCT), làm rõ những khó khăn trong việc đảm bảo tính thỏa đáng của công việc ở cả 2 phía người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động; làm cơ sở để xuất ba nhóm giải pháp chính bao gồm: (1) bảo vệ người lao động PCT, (2) mở ra cơ hội việc làm và (3) đẩy mạnh nghiên cứu tổng kết thực tiễn về lao động PCT trong tình hình mới.


Về tính chất, việc làm của NLĐ trong khu vực PCT là chưa thỏa đáng khi đối chiếu với bốn trụ cột của Việc làm thoả đáng (đề xuất bởi ILO trong khung chương trình quốc gia về Việc làm thỏa đáng). Cụ thể:

- Đây là những việc làm có tính giản đơn, thu nhập thấp thuộc các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, thủ công, lắp ráp và vận hành máy - không đòi hỏi quá nhiều về trình độ kỹ thuật và đem lại mức thu nhập thấp chỉ bằng khoảng 50% của lao động chính thức, thậm chí có 47% NLĐ PCT có mức thu nhập dưới thu nhập tối thiểu vùng.

- Quyền lợi tại nơi làm việc đôi khi không được đảm bảo. Phương tiện lao động, công cụ lao động và điều kiện an toàn vệ sinh lao động hầu như chỉ được cung cấp ở mức tối thiểu; cường độ và thời gian làm việc dài, 35,6% lao động phi chính thức làm việc quá 48 giờ/tuần.

- Rất ít lao động PCT được bao phủ bởi lưới an sinh xã hội. Có tới 98% lao động PCT không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khiến họ không được hưởng các chế độ khi gặp vấn đề về sức khỏe, rủi ro khi làm việc cũng như những chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với NLĐ khó triển khai hiệu quả.

Đối thoại xã hội còn yếu. Khu vực PCT thường không có tổ chức công đoàn đại diện cho NLĐ và thiếu các cơ chế 2 bên, 3 bên trong thương lượng, đối thoại, thỏa thuận về việc làm.


Về những khó khăn trong đảm bảo việc làm thỏa đáng, xét ở phía NLĐ, vấn đề xuất phát từ thực trạng của khu vực PCT. Cơ sở sản xuất kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh và thường không có hợp đồng lao động bằng văn bản nên không có căn cứ để NLĐ được bảo vệ về lương cũng như các quyền lợi khác. Ngoài ra, công việc trong khu vực PCT là những công việc giản đơn, không đòi hỏi trình độ kỹ thuật, dễ dàng bị thay thế nên NLĐ không có đủ vị thế để tự thương lượng các vấn đề của họ. Ở chiều ngược lại, với người sử dụng lao động, việc đảm bảo lương, đóng BHXH, trang bị phương tiện và đảm bảo điều kiện và môi trường làm việc sẽ làm gia tăng ít nhất 50% chi phí của cơ sở sản xuất kinh doanh so với không thực hiện. Ngoài ra, các chủ sử dụng lao động không chủ động đào tạo, nâng cao trình độ cho NLĐ, khiến NLĐ gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các công việc thỏa đáng hơn. Những phân tích trên giúp khẳng định vai trò quan trọng của Nhà nước trong đảm bảo việc làm thỏa đáng cho NLĐ khu vực PCT.


Cuối cùng, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm đảm bảo việc làm thỏa đáng cho đối tượng này bao gồm:

- Thứ nhất, cần có nhiều hơn nữa các chính sách cụ thể về bảo vệ lao động PCT, đặc biệt là tiếp tục thúc đẩy quá trình chính thức hóa việc làm PCT song song với nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường lao động khu vực phi chính thức gắn với đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ. Và quan trọng nhất, cần thừa nhận và có những quy định pháp luật đề bảo vệ người lao động.

- Thứ hai, cần mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho lao động PCT để hỗ trợ NLĐ có thể tìm được việc làm thỏa đáng hơn thông qua việc xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung cầu và tạo cơ hội cho NLĐ tham gia các chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng.

- Thứ ba, cần đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về lao động PCT trong tình hình mới làm cơ sở quan trọng trong hoạch định các chính sách liên quan đến đảm bảo việc làm thỏa đáng cho đối tượng lao động này.














16 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Kommentare


bottom of page