Điểm tin tuần từ ngày 06-13/11/2021 xoay quanh chủ đề Tổng kết các gói hỗ trợ ứng phó dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ Mỹ trong giai đoạn 2020-2021 với nội dung như sau:
Từ đầu năm 2020 đến tháng 11/2021, Mỹ đã thông qua 5 gói hỗ trợ lớn để khắc phục lại những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 lên nền kinh tế. Các gói hỗ trợ cụ thể trong giai đoạn này là:
Một là, Coronavirus Preparedness and Response Supplemental Approriations Act. Gói hỗ trợ này được ban hành vào ngày 06/03/2020 bởi Quốc hội Mỹ với tổng giá trị đạt 8,3 tỷ USD, tập trung tài trợ cho nghiên cứu và phát triển vaccine cũng như đẩy mạnh hệ thống y tế cộng đồng.
Hai là, Families First Coronavirus Response Act. Đây là gói hỗ trợ nối tiếp được ban hành vào ngày 18/03/2020 với tổng giá trị ước tính là 104 tỷ USD được sử dụng làm kinh phí cho: (i) tổ chức xét nghiệm COVID-19 miễn phí; (ii)hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng và (iii) bổ sung kinh phí cho chương trình tem phiếu thực phẩm cho người thu nhập thấp (SNAP).
Ba là, Cornavirus Aid, Relief and Economic Security Act – gói hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ được ban hành vào ngày 27/03/2020 với tổng giá trị là 2,2 nghìn tỷ USD (tương đương 10% GDP Mỹ năm 2020). Ngoài mục tiêu hỗ trợ cho người dân có thu nhập thấp, nâng cao phúc lợi thất nghiệp thì trọng tâm của gói này là cung cấp các khoản vay miễn trả cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như các khoản vay cho các tập đoàn lớn với tổng chi là hơn 1400 tỷ USD. Phần còn lại của gói sẽ được cung cấp cho chính phủ các bang và địa phương cũng như chi trả tiền mặt trực tiếp cho người dân cần hỗ trợ.
Bốn là, Coronavirus Relief and Omnibus Funding Bill. Gói hỗ trợ này được chính phủ tổng thống Trump ban hành vào cuối năm 2020 (27/12/2020) với tổng chi ngân sách là 900 tỷ USD. Điểm mới của gói chính là việc Chính phủ Mỹ đã bổ sung 82 tỷ USD ngân sách cho ngành giáo dục. Ngành nông nghiệp và bưu chính cũng lần lượt nhận được 13 tỷ và 10 tỷ USD.
Cuối cùng là, The American Rescue Plan, được Chính phủ của Tổng thống Joe Biden ban hành vào 11/03/2021 với trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Gói hỗ trợ này cũng nhắm vào các nhóm đối tượng tương tự như các gói hỗ trợ trước nhưng điểm đáng chú ý nhất chính là việc mở rộng đạo luật COBRA – đảm bảo cho người lao động mới mất việc vẫn được hưởng những chính sách chăm sóc y tế của công việc trước.
Chính phủ Mỹ đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía người dân trong quá trình triển khai thực hiện các gói hỗ trợ trên. Phần lớn người dân đều ủng hộ những quyết định này của Chính phủ nhưng có sự khác biệt giữa các chủng tộc khác nhau. Cụ thể là đối với gói hỗ trợ gần nhất – The American Rescue Plan, theo một khảo sát của Pew Research Center thì tỷ lệ ủng hộ của người da trắng với gói hỗ trợ này chỉ là 63% trong khi tỷ lệ ủng hộ của các nhóm người thiểu số như nhóm người gốc Phi, gốc Mỹ Latinh và gốc Á lại chiếm con số lớn hơn rất nhiều (lần lượt là 91%, 80% và 76%). Một số các tổ chức, các viện nghiên cứu và các trường đại học (như OECD, Brookings Institution, Columbia University) còn tiến hành nghiên cứu và đưa ra những dự đoán khả quan về việc nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi lại sớm hơn bình thường cũng như tỷ lệ đói nghèo ở quốc gia này cũng sẽ được giảm thiểu nhờ sự xuất hiện của các gói hỗ trợ.
Tuy nhiên vẫn có các đánh giá trái chiều cho rằng thủ tục nhận hỗ trợ vẫn còn rườm rà dẫn đến một số trường hợp những người cần trợ giúp vẫn chưa nhận được hoặc những hỗ trợ này đến tay những người không cần đến. Không những thế, các gói hỗ trợ trên còn được các chuyên gia đánh giá là mới chỉ mang tính ngắn hạn, tạm thời và giải tỏa mà chưa được thiết kế thực sự phù hợp cho một dịch bệnh lâu dài cũng như kích thích phục hồi hậu đại dịch.
Xem nội dung chi tiết tại slide dưới đây./.
Comments