Tổng hợp các thông tin nổi bật trong tuần 30/10 – 5/11 xoay quanh chủ đề chính là Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) với các nhóm nội dung như sau:
Tổng quan
Tại sự kiện COP21 diễn ra vào năm 2015, có tổng cộng 196 quốc gia đã đồng ý ký kết Thỏa thuận chung Paris với nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển nhằm đạt được 4 nội dung. Thứ nhất, các quốc gia phải đạt mức phát thải lớn nhất sớm và giảm lượng phát thải này vào nửa sau của thế kỷ XXI. Thứ hai, giữ cho nhiệt độ tăng lên do biến đổi khí hậu (BĐKH) không quá 2 độ C, lý tưởng là ở mức 1,5 độ C. Thứ ba, đảm bảo việc đánh giá quá trình thực hiện được diễn ra 5 năm một lần. Cuối cùng, các quốc gia phát triển cam kết trước năm 2020 phải hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia đang phát triển.
Sau khi bị trì hoãn do dịch Covid, Hội nghị COP26 năm 2021 được hứa hẹn là thời điểm để các quốc gia nghiệm thu sau 5 năm ký kết và triển khai. 4 mục tiêu chính được hứa hẹn sẽ đạt được tại hội nghị lần này liên quan đến mức phát thải ròng, giới hạn nhiệt độ nóng lên toàn cầu, xây dựng chính sách, đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ và hoàn thiện Sách luật Paris.
Tình hình chung
Những sự kiện diễn ra trước Hội nghị COP26 như tô lên một bức tranh ảm đạm về tiến trình thực hiện Thỏa thuận chung Paris. Trong năm 2021, BĐKH trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết với những sự kiện thời tiết cực đoan xảy ra trên phạm vi toàn cầu, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên tình hình kinh tế và xã hội. Chúng cho thấy tầm quan trọng của việc đẩy mạnh các nỗ lực trong việc cắt giảm khí thải. Thế nhưng nhiều cam kết lớn chưa được thực hiện.
Nhiều cam kết về cắt giảm và ngưng sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch vướng phải sự chỉ trích từ các nước có lượng tiêu thụ hàng đầu như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ. Mức hỗ trợ từ các quốc gia phát triển chỉ dừng lại ở mức 80 tỷ USD mỗi năm. Mục tiêu dành ra 100 tỷ USD mỗi năm trước năm 2020 thất bại và được dời thời hạn sang trước năm 2023.
Đến cuối tháng 10 năm 2021, chỉ mới có 143 trên 196 quốc gia đã nộp bản cam kết đóng góp tự quyết định NDC (Nationally Determined Contributions). Một số quốc gia không cho thấy sự thay đổi gì trong chính sách của mình so với quá khứ, thậm chí còn hạ mục tiêu cắt giảm khí thải. Một báo cáo của United Nation cho hay dựa trên cam kết đưa ra từ 191 quốc gia, nếu không có biện pháp tăng cường, tới năm 2030, lượng khí thải nhà kính sẽ tăng 16%. Nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 2,7 độ C, cao hơn so với mức giới hạn 2 độ C.
Tại Hội nghị COP26, nhiều tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Nhiều gói hỗ trợ tài chính đã được đưa ra nhằm vào các nước đang phát triển và đầu tư cho các công nghệ sạch. Nhiều quốc gia lớn như Ấn Độ đã cho thấy động thái cứng rắn hơn trong việc đưa phát thải ròng về 0. Nhiều giải pháp hứa hẹn đã được đề xuất. Những cam kết về bảo vệ rừng và ngưng sử dụng nguồn năng lượng từ hóa thạch được nhiều nước đồng ý tham gia ký kết hơn. Dẫu vậy, những cam kết vẫn thiếu đi sự vào cuộc từ các nước lớn. Một số ý kiến cho hay việc các nước lớn không tham gia vào các bản cam kết này sẽ khiến khả năng đạt được mục tiêu trong Thỏa thuận chung Paris “gần như bằng 0”. Nhiều giải pháp đưa ra vướng phải chỉ trích về tính thực tiễn cũng như rủi ro đi kèm.
Về Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH. Lượng khí thải nhà kính của Việt Nam đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN. Chính vì vậy, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới các hoạt động thích ứng với BĐKH và phục hồi tự nhiên. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham gia trực tiếp và đưa ra nhiều cam kết quan trọng như đưa phát thải ròng bằng 0, ngưng sử dụng điện than, hướng tới nền kinh tế xanh, nền kinh tế tuần hoàn. Những nỗ lực và cam kết đưa ra từ Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và tin tưởng. Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, tuy vậy cũng tồn đọng những thách thức và hạn chế đến từ việc lệ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Nhiều tổ chức, tập đoàn và doanh nghiệp lớn qua cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ đã có những ký kết quan trọng, giúp Việt Nam tiếp cận gần hơn với các nền tảng kinh tế xanh.
Thông tin bên lề
Ý kiến từ ngài Partha Dasgupta, giáo sư kinh tế tại trường đại học Cambridge, cho rằng các mô hình kinh tế vĩ mô đang thiếu đi các yếu tố môi trường.
Xem thêm nội dung chi tiết hơn ở slides bên dưới./.
댓글