Toàn cảnh thông tin nổi bật trong tuần 11 - 17/9 có thể được tóm tắt theo các nhóm nội dung như sau:
Tin tức về diễn biến dịch Covid-19 trong nước
Thông tin về dịch bệnh Covid-19 trong phạm vi cả nước đưa đến những tín hiệu khá lạc quan, thể hiện ở xu hướng giảm dần số ca nhiễm mới được ghi nhận trong nước, trung bình khoảng 11.090 ca/ngày. Số ca mắc mới mỗi ngày đang dần tiệm cận với số bệnh nhân được tuyên bố khỏi bệnh theo ngày đưa đến triển vọng giảm dần áp lực lên hệ thống y tế.
Cùng với những nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trên phạm vi cả nước, những kết quả tích cực trong hoạt động ngoại giao vaccine và triển vọng sản xuất được vaccine Covid-19 "Made in Vietnam" trong năm 2021 là những tín hiệu tích cực tiếp theo cho một kỳ vọng có thể dần mở cửa trở lại nền kinh tế.
Để chuẩn bị cho việc nới lỏng dãn cách và từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, các biện pháp cung cấp "thẻ xanh" và "thẻ vàng" chứng nhận tiêm vaccine cũng được Bộ Y tế đẩy mạnh triển khai. Mặc dù hoạt động này còn nhiều lúng túng nhất là về tiến độ cập nhật danh sách người dân được tiêm chủng lên hệ thống chung và giải pháp để xác nhận cho những bệnh nhân mắc Covid-19 đã điều trị khỏi tại nhà.
Tin tức kinh tế tổng hợp
Tình hình kiểm soát dịch bệnh luôn là mối quan tâm hàng đầu của người lao động, doanh nghiệp và các chuyên gia về kinh tế. Trong tuần vừa qua, hàng loạt các tổ chức quốc tế lớn đã công bố dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021. Mặc dù Nikkei xếp Việt Nam hạng 121/121 về Chỉ số hồi phục Covid-19 nhưng dự báo của các tổ chức quốc tế khác đều khá tin tưởng vào khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam. Các dự báo này đều căn cứ trên hai kịch bản chính: i) kịch bản kém tích cực trong khả năng kiểm soát dịch đưa đến dự báo tăng trưởng GDP ở mức khoảng 4,0%; còn ii) nếu có thể nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh trong tháng 9/2021, Việt Nam sẽ có cơ hội duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP khoảng trên dưới 6,0% trong năm 2021.
Tuy nhiên, cho dù mức dự báo tăng trưởng là bao nhiêu, thì các tín hiệu sẵn sàng khôi phục sản xuất từ phía doanh nghiệp là khá rõ ràng. Các doanh nghiệp ngành cá tôm ở miền Tây đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ để khôi phục lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch bệnh, trong khi một số doanh nghiệp khác lại tìm kiếm thị trường tiềm năng tại các nước châu Phi, còn các chuyên gia vẫn giữ nhận định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài trong trung hạn.
Các động thái từ phía thị trường lao động - việc làm trong tuần cũng đưa đến một số tin tức hấp dẫn. Trong khi các trung tâm kinh tế trọng điểm nỗ lực đưa ra các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp phục hồi sau giãn cách, thì các tỉnh thành phố ít phát triển hơn lại có xu hướng ưu đãi để giữ chân lao động lành nghề trở về từ vùng dịch.
Điểm đáng lưu ý khác nữa trong các tin tức kinh tế của tuần là việc báo chí giật tít Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc "thừa nhận" "ngân sách trung ương cạn kiệt". Mặc dù tin này đã nhanh chóng được làm rõ là chỉ hàm ý đến phần ngân sách dự phòng chống dịch và vẫn còn đang chờ Quốc hội phê duyệt bổ sung hơn 14.000 tỷ đồng từ tiết kiệm chi, nhưng tin tức này cùng với việc SCIC rót thêm 7.000 tỷ để cứu Vietnamairlines vẫn đưa đến những lo lắng nhất định cho những ai quan tâm đến lĩnh vực này.
Xem thêm nội dung chi tiết hơn ở slides bên dưới./.
Comments