top of page

Tìm hiểu về lạm phát: Bối cảnh Mỹ 2021 (P1)

Đã cập nhật: 10 thg 11, 2022

Bài viết này sử dụng bối cảnh lạm phát giai đoạn cuối 2021 tại Mỹ để làm rõ kiến thức nền tảng về lạm phát, những vấn đề cần quan tâm, các biến động thường thấy dẫn đến sự thay đổi của lạm phát trong nền kinh tế và những đối sách thường được sử dụng để điều tiết nền kinh tế khi có lạm phát.


Phần 1: Lý thuyết về lạm phát


Tìm hiểu về lạm phát: vấn đề và đối sách


Trong bức tranh kinh tế vĩ mô, lạm phát là một hiện tượng – chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người quan sát, bao gồm cả các nhà nghiên cứu, những người làm chính sách, doanh nghiệp và người lao động. Mỗi nền kinh tế gắn với một mức lạm phát cân bằng – khoảng 2-3% ở những nước phát triển và cao hơn một chút ở những nước đang phát triển. Khi mức lạm phát biến động, dù lên hay xuống, các tác nhân, chủ thể trong nền kinh tế đều sẽ cảm thấy “bất an”. Các nhà làm chính sách khi đó sẽ chịu nhiều áp lực trong công tác chỉ đạo điều hành để đưa lạm phát về được mức cân bằng dài hạn.


Bài viết này lấy bối cảnh lạm phát tại Mỹ giai đoạn cuối 2021 để làm rõ vấn đề này trong lý thuyết và trên thực tế, nguyên nhân và những đối sách thường được sử dụng để điều tiết nền kinh tế khi lạm phát thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.


Khái niệm


Một cách chung nhất, lạm phát là tốc độ thay đổi của giá cả trong nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định. Vì nền kinh tế bao gồm rất nhiều mặt hàng khác nhau, “giá cả” ở đây là một chỉ số cơ học được tổng hợp có trọng số của giá cả của các mặt hàng trong nền kinh tế, với trọng số thể hiện tầm quan trọng của mặt hàng đó.


Hình 1: CPI vs PCE vs GDP Deflator


Trong Hình 1, ba cơ sở tính toán lạm phát được thể hiện, gồm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) màu đỏ; Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE); và Chỉ số giảm phát GDP (GDP Deflator). Nhiều tài liệu bên ngoài cung cấp cách giải thích tương đối kỹ cho ba chỉ số này và sự khác nhau trong tính toán của chúng; tuy nhiên sự biến đổi của ba chỉ số này của nước Mỹ trong dài hạn cho thấy chúng không có sự khác biệt nhiều. Các phân tích về lạm phát nói chung và trong bài viết này sẽ cơ bản bám theo chỉ số CPI.


Trên cơ sở các chỉ số trên, lạm phát giữa thời điểm A và B có thể được “nhìn” thấy theo độ dốc của các chỉ số này giữa hai thời điểm A và B. Cách “nhìn” lạm phát phổ biến hơn là tính toán sự thay đổi theo tháng, quý hoặc năm của các chỉ số và biểu diễn trên đồ thị, ví dụ như ở Hình 2. Theo đó, lạm phát ở Mỹ tăng cao trong giai đoạn thập kỷ 70s và 80s trước khi quay lại mức ổn định khoảng dưới 2,5% trong 20 năm trở lại đây.


Hình 2: Lạm phát toàn phần vs lõi (cơ bản)


Hình 2 còn thể hiện hai sự đo lường khác của lạm phát trên cơ sở tính toán CPI. Đường màu xanh, thường sự dụng để “giật tít” (ở Mỹ gọi là “headline inflation”), biểu diễn biến động CPI bao gồm tất cả các mặt hàng. Đường màu đỏ, thường được các cơ quan chính sách coi trọng hơn - “lạm phát lõi”, biểu diễn biến động CPI không bao gồm thực phẩm và năng lượng. Các cơ quan chính sách, ví dụ như Ngân hàng liên bang Mỹ (Fed), sử dụng lạm phát lõi để điều hành nền kinh tế tầm nhìn trung và dài hạn vì trong ngắn hạn, thực phẩm và năng lượng có xu thế biến động mạnh nhất thời.


Lý do các chủ thể, tác nhân của nền kinh tế quan tâm tới lạm phát vì chỉ số này thể hiện sự biến động sức mua của đồng tiền.


Khi lạm phát tăng cao, giá trị của đồng tiền đi xuống, sức mua giảm đi, ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng và đầu tư trong nền kinh tế. Khi lạm phát tăng quá cao --- giá cả tăng quá nhanh --- các khoản đầu tư (ví dụ như cho vay), hợp đồng (ví dụ như hợp đồng lao động) dài hạn không điều chỉnh kịp còn có thể dẫn đến việc doanh nghiệp phải phá sản và người lao động bị bần cùng hoá, đẩy nền kinh tế tới khủng hoảng, thậm chí sụp đổ. Nhiều nền kinh tế trong lịch sử đã từng trải qua giai đoạn tương tự.


Khi lạm phát xuống thấp hoặc thậm chí âm, các chủ thể nền kinh tế có xu thế tiết kiệm, dừng thực hiện các dự án dài hạn, các khoản chi tiêu không cần thiết. Việc này cũng có thể đẩy nền kinh tế vào khủng hoảng --- hoặc đại khủng hoảng như ở Mỹ giai đoạn sau 1929-1933.


Đó là những lý do mà các nhà làm chính sách luôn quan tâm giữ lạm phát ở mức ổn định thấp và họ luôn chịu áp lực to lớn khi lạm phát biến động bất ngờ.


Vì sao lạm phát thay đổi và đối sách phù hợp


Có rất nhiều lý do lạm phát thay đổi, phụ thuộc vào thời điểm và góc nhìn. Theo nghiên cứu khảo sát của Peter Andre, Ingar Haaland, Chris Roth, Johannes Wohlfart (2021), thể hiện trong Hình 3, cách các chuyên gia, hộ gia đình hay quản lý trong các doanh nghiệp nhìn nhận các yếu tố ảnh hưởng tới lạm phát có sự khác nhau về cả nội dung và mức độ. Khảo sát được thực hiện trong tháng 11/2021 giữa bối cảnh dịch Covid 19 còn đang tiếp tục tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Trong khi các chuyên gia cho rằng chính sách tài khoá, tiền tệ đã khiến cho lạm phát tăng cao thì các hộ gia đình lại đổ lỗi cho vấn đề thiếu hụt lao động và xung đột chính trị ở tầng lớp lãnh đạo. Các nhà quản lý doanh nghiệp lại có xu thể “rải đều” lý do cho rất nhiều hạng mục. Có điều, cả ba tác nhân này đều cho rằng vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng là một trong những lý do tiên quyết khiến lạm phát tăng cao trong thời gian qua ở Mỹ.


Hình 3: Tại sao có lạm phát?


Trên lý thuyết, có 4 cơ chế chủ yếu dẫn đến biến động lạm phát trong nền kinh tế.


Thứ nhất là cơ chế tiền tệ. Khi cung tiền tăng, giá trị tiền giảm đi và lạm phát tăng cao. Khi cung tiền giảm, giá trị tiền tăng lên và lạm phát đi xuống. Đối sách cho tình huống này là điều chỉnh cung tiền, tỷ giá, lãi suất để phù hợp với mong muốn. Đây là các chính sách tiền tệ và trách nhiệm thường thuộc về các ngân hàng trung ương của các quốc gia.


Thứ hai là cơ chế cầu kéo. Khi nhu cầu tiêu dùng, đầu tư trong nền kinh tế tăng cao mà cung không đáp ứng được, giá cả các mặt hàng tăng lên trong bối cảnh khan hiếm hàng hoá sẽ dẫn đến lạm phát. Đối sách cho tình huống này là điều chỉnh chi tiêu chính phủ (chính sách tài khoá) hoặc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ để kích/hãm cầu theo mục tiêu trung và dài hạn của quốc gia.


Thứ ba là cơ chế cung đẩy. Khi sản xuất bị gián đoạn (do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh…) hoặc thay đổi trong nguồn cung nguyên vật liệu (khai thác, giá cả…), giá thành sản xuất tăng cao hoặc sản xuất bị ngừng trệ. Việc này tác động trực tiếp đến giá các mặt hàng trên thị trường, dẫn đến lạm phát thay đổi. Đối sách cho trường hợp này thường thuộc về các chính phủ và khá đa dạng về nội dung. Ví dụ khi có thiên tai, dịch bệnh, Chính phủ có thể huy động và điều phối các nguồn lực để khắc phục tình huống. Khi có các vấn đề liên quan tới nguồn cung, Chính phủ có thể tăng cường khai thác tài nguyên, đàm phán, thậm chí gây chiến với các quốc gia có nguồn cung dồi dào để đảm bảo sản xuất trong nước như lịch sử đã nhiều lần chứng kiến. Khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, Chính phủ cũng thường là nhân tố quan trọng trong việc kết nối, điều phối, khắc phục các sự vụ thực tế.


Thứ tư là cơ chế kỳ vọng. Một phần lớn nền kinh tế thực chất vận hành trên các cam kết, kỳ vọng dài hạn như ký kết hợp đồng vay nợ, hợp đồng lao động, đầu tư xây dựng nhà máy, chuyển đổi mô hình sản xuất v.v… Nếu các tác nhân trong nền kinh tế “cho rằng” (không nhất thiết phải có cơ sở xác đáng) lạm phát sẽ tăng cao trong tương lai, họ sẽ đưa kỳ vọng đó vào trong hợp đồng, vào hành vi hiện tại để bảo vệ lợi ích tương lai. Chính việc đó sẽ khiến lạm phát trở thành hiện thực và biến động ngay trong hiện tại. Đối sách lúc này là sự cam kết và uy tín của các cơ quan điều hành, bao gồm cả hành pháp, lập pháp và cơ quan điều hành tiền tệ của quốc gia.


Ngoài những cơ chế chung như trên và đối sách tương ứng, lịch sử cũng chứng kiến nhiều giai đoạn các chính phủ phải sử dụng biện pháp hành chính để đối phó với lạm phát, ví dụ như thiết lập giá trần, giá sàn, hoặc thiết lập khung giá ấn định cho từng mặt hàng. Khảo sát sơ bộ cho thấy các biện pháp này, trong trường hợp tốt nhất, chỉ có hiệu quả nhất thời; chúng thường dẫn đến các vấn đề còn nghiêm trọng hơn lạm phát nếu áp dụng quá lâu --- như kinh tế phi chính thức, kinh tế ngầm, kinh tế đen.


Xem nội dung chi tiết tại slide dưới đây./.




570 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page