top of page

Chính sách hỗ trợ kinh tế hậu Covid-19

Ảnh của tác giả: Lê Hoàng LongLê Hoàng Long

Điểm tin tuần từ ngày 21-27/11/2021 xoay quanh chủ đề Chính sách hỗ trợ kinh tế hậu Covid-19 với nội dung như sau:


Đại dịch Covid-19 đã diễn ra gần 2 năm, để lại hậu quả kinh tế - xã hội nặng nề. Đã có 264 triệu ca nhiễm và 5,23 triệu ca tử vong trên toàn thế giới và 1,27 triệu ca nhiễm, 25.658 ca tử vong tại Việt Nam. Tỷ lệ tử vong trên số ca nhiễm ở Việt Nam là 2.10%, tuy cao hơn so với Thái Lan và Philipines (tương ứng là 0.98% và 1.73%), nhưng thấp hơn đang kể so với Indonesia (3.39%). Hệ thống y tế Việt Nam đã phản ứng ở mức khá tốt.


Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến tình hình kinh tế - xã hội còn thể hiện qua tình trạng mất việc làm của người lao động, với 1,8 triệu người mất việc quý III năm 2021, theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê. Trước tình hình đó, Nhà nước cần có những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và khắc phục những hậu quả xã hội của đại dịch.


Chính phủ đã phản ứng rất kịp thời khi sớm đưa ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ (4/2020) nhằm trợ giúp người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và tiếp theo đó là gói hỗ trợ tài khóa bao gồm các chính sách như hoãn, giãn thuế cho doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh tổng giá trị được ước tính 180.000 tỷ. Được đánh giá là rất kịp thời, nhưng kết quả triển khai hai gói hỗ trợ trên còn nhiều hạn chế với tỷ lệ giải ngân chỉ ở mức 53%. Nguyên nhân được cho là do (i) sự chênh lệch giữa số ước đoán và số lượng đối tượng thực tế nhận hỗ trợ; (ii) việc lập danh sách đối tượng được hưởng trợ cấp còn gặp nhiều khó khăn.


Năm 2021, trước ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ 4, Chính phủ đã thông qua Quyết định 28/2021/QĐ-Ttg hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng kinh phí ước tính là 38.000 tỷ. Gói hỗ trợ lần này hướng đến đối tượng là người lao động bị mất việc và được đánh giá thành công ở tiến độ thực hiện nhanh và đảm bảo đúng đối tượng.


Theo thống kê từ Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), chính sách hỗ trợ kinh tế của các nước là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ tác động của đại dịch, tuy nhiên các giải pháp được các quốc gia đưa ra đều hướng tới đối tượng yếu thế cũng như nhằm nâng cao năng lực y tế và an sinh xã hội. Cụ thể, Mỹ đã phê duyệt 5 gói hỗ trợ, Malaysia tung ra gói hỗ trợ khoảng 2.1% GDP hướng tới vấn đề an sinh xã hội và y tế, Thái Lan chi khoảng 11,5 tỷ USD hỗ trợ tiền mặt. So với thế giới, các gói hỗ trợ của Việt Nam được đánh giá là kịp thời và đúng đối tượng.


Nhằm mục tiêu nhanh chóng khôi phục lại những tổn thương về kinh tế - xã hội do đại dịch gây ra, Bộ Tài chính đã đề xuất gói kích cầu khoảng 40.000 tỷ đồng thông qua hỗ trợ lãi suất cho vay nhằm duy trì lãi vay ở mức khoảng 4%/năm. Bên cạnh đó, bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đề xuất 05 chính sách cho gói kích thích kinh tế bao gồm: chính sách phòng, chống covid; chính sách an sinh xã hội; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách kích cầu qua đầu tư công; và chính sách quản lý điều hành để đảm bảo cân đối vĩ mô.


Nhiều người lo ngại về nguồn tài chính để thực hiện các gói hỗ trợ khi nợ công đã ở mức cao. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa cho các gói hỗ trợ: khả năng trả nợ của nền kinh tế được đánh giá là tốt nếu như hiệu quả sử dụng nợ tốt; dư địa của chính sách tiền tệ còn nhiều do mặt bằng lãi suất còn thấp; dư địa chính sách phi tài chính (như tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư công chậm triển khai) còn lớn.


Xem nội dung chi tiết tại slide dưới đây./.













Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • Zalo

©2021 by Hathaway Group.

bottom of page