top of page

Doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam lớn hay bé?

Ảnh của tác giả: Nguyễn Tùng AnhNguyễn Tùng Anh

ThS Nguyễn Tùng Anh

TS Nguyễn Xuân Hải

Trong thời gian qua, doanh nghiệp tư nhân chính thức ngày càng nhận được sự quan tâm lớn hơn từ các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu và xã hội. Theo số liệu mới nhất, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đóng góp tới hơn 50% vào GDP và thu hút tới hơn 80% lao động có việc làm. Như vậy, câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp tư nhân – một bộ phận chính thức trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước – có thực sự lớn mạnh và phát huy được hết tiềm năng của mình hay không?

Bài viết này tập trung phân tích và so sánh doanh nghiệp tư nhân với các loại hình doanh nghiệp khác nhằm đánh giá quy mô và hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này trong bối cảnh của Việt Nam và so với một số quốc gia trong khu vực ASEAN.

Một số định nghĩa

Nền kinh tế Việt Nam gồm ba khu vực: kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước và khu vực FDI (Hình 1).

Biểu đồ cơ cấu GDP của ba khu vực kinh tế, nhà nước, ngoài nhà nước

Tính đến năm 2022, khu vực kinh tế Nhà nước gồm 1.861 doanh nghiệp, đóng góp 29,3% vào cơ cấu GDP.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước bao gồm kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể (gồm các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…). Khu vực kinh tế tư nhân gồm nhóm doanh nghiệp tư nhân chính thức, cùng các hộ kinh doanh cá thể nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tính đến năm 2022, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước có 710,7 nghìn doanh nghiệp tư nhân chính thức; 5.169,7 nghìn hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp; 15,8 nghìn hợp tác xã. Khu vực này đóng góp 50,4% vào cơ cấu GDP.

Khu vực FDI chính là các nhóm doanh nghiệp FDI, gồm 22,9 nghìn doanh nghiệp với đóng góp 20,3% vào cơ cấu GDP năm 2022.

So sánh trong khu vực kinh tế tư nhân

Trước hết, quy mô tính theo số lượng và lao động làm việc trong nhóm doanh nghiệp tư nhân chính thức đều thấp hơn rất nhiều so với các hộ kinh doanh cá thể. Riêng hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp đã có số lượng cao gấp từ 7 lần cho đến hơn hơn 11 lần tính trong giai đoạn 2015 đến 2022. Về lao động, tính toán của tác giả cho thấy vẫn còn gần 60% lao động có việc làm đang làm việc trong các hộ kinh doanh cá thể nông nghiệp (Hình 2). Những số liệu này phần nào phản ánh sự hạn chế trong số lượng và mức độ tập trung nguồn nhân lực của doanh nghiệp tư nhân chính thức.

Số lao động làm việc trong các loại hình kinh doanh của kinh tế tư nhân.

Đáng chú ý hơn đó là tỷ lệ đóng góp thấp của doanh nghiệp tư nhân chính thức vào cơ cấu GDP hàng năm. Dựa trên số liệu của Niên giám thống kê từ năm 2015-2020, đóng góp vào cơ cấu GDP của các doanh nghiệp tư nhân chính thức còn thấp, chỉ tăng từ 7,88% năm 2015 lên mức 9,65% trong năm 2020. Trong khi đó, các hộ kinh doanh cá thể luôn duy trì mức đóng góp khá cao ở khoảng 30% (Hình 3).

Đóng góp vào GDP của các loại hình kinh doanh trong kinh tế tư nhân, 2015-2020.

Điều này cho thấy rằng, dù có sự tăng trưởng, doanh nghiệp tư nhân chính thức vẫn chưa đóng vai trò đáng kể trong cơ cấu GDP so với hộ kinh doanh cá thể trong kinh tế tư nhân. Từ 2021, Niên giám thống kê không còn cung cấp số liệu riêng lẻ cho từng nhóm kinh doanh, nhưng nếu không có biến động đáng kể, ước tính đến năm 2022, doanh nghiệp tư nhân chính thức vẫn chỉ đóng góp khoảng 10,5% GDP.

So sánh với khu vực doanh nghiệp FDI

So với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân chính thức có quy mô và khả năng thu hút vốn vượt trội. Từ 2015-2022, số lượng doanh nghiệp tư nhân chính thức luôn lớn hơn gấp khoảng 30 lần; sử dụng lao động nhiều hơn 1,6-2,0 lần và có vốn sản xuất cao hơn 2,6 cho đến 3,2 lần (Hình 4).

Vốn sản xuất kinh doanh và số lao động làm việc của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI.

Trái ngược với mức độ thu hút vốn và quy mô của mình, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước lại kém cạnh hơn. Doanh thu thuần của doanh nghiệp tư nhân chỉ gấp khoảng 1,8-2,0 lần, trong khi tỷ suất lợi nhuận – một chỉ số đánh giá hiệu quả sinh lời – trung bình chỉ đạt 38% mức của doanh nghiệp FDI. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong doanh nghiệp tư nhân cũng thấp hơn so với mức lương ở doanh nghiệp FDI khoảng 30% (Hình 5). Mặc dù có lợi thế về quy mô và nguồn lực, doanh nghiệp tư nhân chính thức tại Việt Nam vẫn chưa đạt hiệu quả kinh doanh tương xứng.

Tỷ suất lợi nhuận và thu nhập bình quân một tháng của lao động tại doanh nghiệp tư nhân và FDI.

Doanh nghiệp tư nhân tại các nước ASEAN

Trong bài viết này, do khó khăn trong việc khai thác số liệu, tác giả sử dụng dữ liệu về doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME: micro, small and medium enterprises) tại Thái Lan, Singapore và Malaysia, dựa trên bộ số liệu từ ADB Asia SME Monitor và Niên giám thống kê của các quốc gia.

Đóng góp vào GDP của các MSME tại Thái Lan, Singapore và Malaysia.

Tại Thái Lan, doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong nước với quy mô lao động và tài sản cố định nhỏ, đối lập với doanh nghiệp Nhà nước có quy mô và vốn lớn hơn nhiều. Giai đoạn 2019-2023, MSME chiếm 99,5% tổng số doanh nghiệp và đóng góp 34-35% vào cơ cấu GDP.

Tại Singapore, doanh nghiệp tư nhân cũng chủ yếu là SME (chiếm 99,5% tổng số doanh nghiệp), trong khi các doanh nghiệp lớn bao gồm cả cơ quan Nhà nước và các tổ chức công lập. SME cung cấp việc làm cho hơn 2,6 triệu người lao động (chiếm 65,8% số lao động có việc làm) vào năm 2023. Dù tỷ trọng đóng góp GDP có xu hướng giảm, nhóm doanh nghiệp này vẫn giữ cơ cấu ở 35,9% vào năm 2023 [1].

Tại Malaysia, giai đoạn 2019-2023, SME chiếm 97-98% tổng số doanh nghiệp, tạo việc làm cho 7,1-7,9 triệu lao động, tương đương khoảng 47% tổng lao động có việc làm. Cơ cấu GDP của nhóm doanh nghiệp này dao động trong khoảng 37,4-39,1% mỗi năm. Hình 6 tổng hợp đóng góp của các MSME vào GDP từng quốc gia.

Một chỉ số khác để đánh giá quy mô doanh nghiệp là số doanh nghiệp trên một nghìn dân. Tính toán cho thấy ở cả ba quốc gia trên, chỉ số này đều vượt 30 doanh nghiệp/1.000 dân hàng năm, trong khi Việt Nam chỉ đạt 7,21 doanh nghiệp/1.000 dân tính đến 2022. Hình 7 thể hiện cơ cấu lao động và chỉ số quy mô doanh nghiệp này tại các quốc gia ASEAN và Việt Nam.

Cơ cấu lao động làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân và số doanh nghiệp trên 1 nghìn dân của Thái Lan, Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Như vậy, chỉ riêng khu vực MSME tại các quốc gia ASEAN đã có sự vượt trội về quy mô lao động và tỷ trọng đóng góp vào GDP của toàn bộ khu vực doanh nghiệp chính thức tại Việt Nam (đã bao gồm cả các doanh nghiệp và tập đoàn lớn). Việc so sánh cho thấy doanh nghiệp tư nhân chính thức của Việt Nam còn đang ở trạng thái hạn chế, chưa thật sự xứng tầm với sự phát triển của Việt Nam gần đây và đặc biệt là tham vọng tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Cốc nước đầy một nửa

Phân tích trên cho thấy doanh nghiệp tư nhân, khi so sánh trong khu vực kinh tế tư nhân, còn đóng góp ít vào GDP so với hộ kinh doanh cá thể. So với khu vực FDI, dù huy động nhiều nguồn lực hơn và có số lượng áp đảo, nhưng lại chưa đạt hiệu quả kinh doanh tương xứng. Cuối cùng, việc so sánh với các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Singapore và Malaysia làm bộc lộ những hạn chế về quy mô, khả năng thu hút lao động và đóng góp vào GDP.

Tuy nhiên, những sự so sánh như vậy cũng cho thấy rằng tiềm năng phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân chính thức ở Việt Nam là rất lớn. Từ việc chính thức hóa việc làm chính thức và nâng tầm các hộ kinh doanh cá thể tới việc học tập mô hình của các doanh nghiệp FDI hiện tại đã có mặt trong nước, khối doanh nghiệp tư nhân chính thức Việt Nam còn một khoảng dư địa rất lớn để vươn mình, để tăng cả về quy mô vốn, quy mô lao động và hiệu suất kinh doanh, để đóng góp nhiều hơn nữa cho GDP ít nhất ở mức ngang tầm với khu vực.

Trong bối cảnh Việt Nam quyết tâm tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hai con số trong giai đoạn tiếp theo, có lẽ phát triển doanh nghiệp tư nhân chính thức phải được nhìn nhận là động lực chủ đạo để chúng ta có thể hiện thực hóa được mục tiêu đề ra./.

____________

[1] Tổng cục Thống kê Singapore phân loại doanh nghiệp theo quy mô (SME và không phải SME) và sở hữu (trong nước, nước ngoài). Do thiếu số liệu chính xác về SME trong nước, việc so sánh hoàn toàn tương đồng với Việt Nam là không khả thi. Dù vậy, tính toán của tác giả cho thấy điều này không ảnh hưởng đến kết luận của bài viết.

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • Zalo

©2021 by Hathaway Group.

bottom of page