Hathaway Policy (HWP), trong thời gian vừa qua, luôn theo dõi sát sao các diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam. Từ cuối năm 2022 tới nay, HWP thể hiện những phân tích và theo dõi của mình qua Báo cáo kinh tế vĩ mô quý và Nhận định kinh tế vĩ mô theo tháng của Việt Nam. Dưới đây là quan điểm và nhận định của HWP về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tại thời điểm tháng 7 năm 2024.
Tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 7 năm 2024 có thể được xem là đã tiếp nối khá tốt những tín hiệu tích cực thể hiện trong số liệu vĩ mô của 6 tháng đầu năm; thế nhưng, sự không nhất quán về tính tích cực vẫn “đâu đó” hiện hữu, như lời nhắc nhở cho sự thận trọng. Thứ nhất, tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm tăng 8,47% - cao thứ 2 so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây (chỉ thấp hơn của tháng 7 năm 2022 là 8,80%). Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 tiếp tục chứng kiến mức tăng mạnh 54,7%[1], bằng mức tăng đột biến của tháng 6. Việc chỉ số PMI tăng cao liên tiếp trong 2 tháng và ở trên ngưỡng mở rộng (ngưỡng 50 điểm) trong 4 tháng liên tiếp giúp khẳng định hơn sự lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2024. Tuy nhiên, PMI lại không đi cùng với sự gia tăng mạnh mẽ về số việc làm mới tạo ra hay giảm về tỷ lệ thất nghiệp[2] khiến sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế chưa được khẳng định; ngược lại, dường như đây là nỗ lực ngắn hạn của các doanh nghiệp để đáp ứng đơn hàng trước mắt và giữ ổn định lượng tồn kho.
Thứ hai, xuất – nhập khẩu tiếp tục duy trì đà tăng. Tính riêng tháng 7/2024, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 36,25 tỷ USD, tăng 19,00% so với tháng trước và 16,15% so với tháng 7/2023. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng cũng tăng tốt, đạt 34,01 tỷ USD, tăng 19,01% so với tháng trước và 21,14% so với cùng kỳ năm trước. Tuy tốc độ tăng theo tháng có phần chậm lại[3] nhưng đây vẫn là mức tăng tích cực cho niềm tin về triển vọng tăng trưởng kinh tế của những tháng cuối năm.
Thứ ba, điểm sáng về đầu tư trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024 tiếp tục đến từ FDI. Vốn đầu tư công được giải ngân trong tháng 7/2024 đã tăng 23,35% so với tháng 6, giảm hơn tốc độ tăng theo tháng của tháng 6 là 28,24% và tháng 5 là 33,43%, thấp hơn 3,32% so với cùng kỳ năm 2023. Ngược lại, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục là điểm sáng, FDI đăng ký lũy kế đến 20/7/2024 đạt 18,01 tỷ USD, cao hơn 10,85% so với lũy kế cùng kỳ năm 2023; chỉ tính riêng tháng 7/2024, vốn FDI đăng ký tăng 47,62% so với thời điểm tháng 7/2023. Tuy nhiên, hiện trạng vốn FDI đăng ký bình quân trên dự án thấp hơn so với cùng kỳ các năm trở lại đây – như Báo cáo quý về Kinh tế vĩ mô Việt Nam của HWP đã trình bày, sẽ là quan ngại tiếp theo của các nhà hoạch định chính sách trong thời gian tới.
Nói tóm lại, các chỉ số kinh tế vĩ mô tổng quát cho thấy triển vọng cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024 đang được khẳng định chắc chắn hơn. Mặt khác, HWP vẫn giữ kiến nghị cần tiếp tục thận trọng quan sát những triển vọng này trong các tháng tiếp theo./.
---------
[1] https://vneconomy.vn/pmi-thang-7-dat-tren-54-diem-nganh-san-xuat-viet-nam-tiep-tuc-tang-truong-manh.htm
[2] Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số lao động có việc làm quý II/2024 tăng 130.000 người so với quý trước; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm quý II/2024 đều tăng nhẹ so với quý trước (tăng từ 2,24% lên 2,29% và từ 2,03% lên 2,06% tương ứng).
[3] Mức tăng kim ngạch xuất khẩu theo tháng của tháng 6 là 22,05%, tháng 5 là 26,04%; và mức tăng theo tháng của kim ngạch nhập khẩu tương ứng là 21,14% và 28,14%.
Comments