Hathaway Policy (HWP), trong thời gian vừa qua, luôn theo dõi sát sao các diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam. Từ cuối năm 2022 tới nay, HWP thể hiện những phân tích và theo dõi của mình qua Báo cáo kinh tế vĩ mô quý và Nhận định kinh tế vĩ mô theo tháng của Việt Nam. Dưới đây là quan điểm và nhận định của HWP về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tại thời điểm tháng 10 năm 2024.
Các chỉ số Kinh tế vĩ mô tháng 10 và 10 tháng năm 2024 - sau một báo cáo quý 3 không mấy tích cực – đã thể hiện nhiều dấu hiệu tích cực hơn, thể hiện ở một số điểm cụ thể như sau.
Thứ nhất, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là điểm sáng lớn nhất trong hệ thống các chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng này khi đạt xấp xỉ 5,25 tỷ đồng, với mức tăng trưởng 8,53% [1]. Điều này phù hợp với biến động mùa vụ hàng năm, khi nhu cầu mua sắm của người dân sẽ thường tăng cao nhằm chuẩn bị cho dịp nghỉ lễ cuối năm.
Thứ hai, điểm sáng tiếp theo đến từ Chỉ số quản trị mua hàng (PMI), phục hồi lên mức 51,2 điểm [2] sau khi rơi xuống mức 47,3 (dưới ngưỡng mở rộng) tháng trước đó. Cùng với đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong 10 tháng ước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước – mức tăng hơi chậm lại so với các tháng trước đó nhưng đảm bảo sự tăng trưởng chung [3]. Mức tăng chậm lại của IIP cùng với sự “trồi sụt” của chỉ số PMI là những yếu tố cần theo dõi thêm, nhưng không quá đáng quan ngại.
Thứ ba, FDI cũng có thể được xem là điểm sáng đầu tư. Tuy tốc độ tăng thêm về quy mô của các dự án FDI có chậm lại so với những tháng trước đó nhưng vẫn là điểm tích cực, là động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế. So với tháng 9/2024, trong tháng 10 đã 251 dự án FDI được cấp mới và 124 dự án FDI đăng ký tăng thêm vốn. Xét về số vốn FDI đăng ký tăng thêm 2,48 tỷ USD và số vốn FDI thực hiện tăng thêm trong tháng là 2,25 tỷ USD. Vốn đầu tư công được giải ngân đến tháng 10/2024 đạt 52,29% so với kế hoạch – có chút chậm hơn, tuy không nhiều so với cùng kỳ những năm trước đó.
Thứ tư, xuất nhập khẩu hàng hoá cũng thể hiện nhiều nét sáng cho bức tranh kinh tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2024 sơ bộ đạt 35,59 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước; tính chung mười tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2024 sơ bộ đạt 33,6 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước. Tính chung mười tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tháng 10 sơ bộ xuất siêu hàng hoá 1,99 tỷ USD; tính chung mười tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 23,31 tỷ USD. Mặc dù giảm nhẹ tương ứng so với tháng 9 và cùng kỳ năm trước, số liệu xuất nhập khẩu vẫn cơ bản là tín hiệu tốt cho những tháng cuối năm.
Thứ năm, từ đầu năm 2024, biến động ròng về số lượng doanh nghiệp hàng tháng đều tăng lên ngoại trừ đột biến giảm mạnh vào tháng 9/2024 (giảm khoảng 36 nghìn doanh nghiệp, có thể do ảnh hưởng của bão Yagi). Trong tháng 10, biến động ròng về số lượng doanh nghiệp tiếp tục quay lại đà tăng trưởng như trước.
Nói tóm lại, các chỉ số kinh tế vĩ mô tổng quát cho thấy triển vọng cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2024. Vì đâu đó còn những số liệu cần quan tâm sát sao, Hathaway Policy vẫn giữ kiến nghị thận trọng quan sát và chuẩn bị phương án cho kịch bản kém tích cực hơn./.
---------
[1] Mức tăng trưởng 3 tháng liền trước đó của chỉ số này lần lượt là 8,68%, 8,46% và 8,77%
[3] Mức tăng trưởng IIP 3 tháng liền trước đó lần lượt là 8,47%, 8,60% và 8,64%
Comments