top of page

Chính sách kích cầu có dẫn đến đình lạm (stagflation)?

Bài viết này giải thích một dạng mô hình Keynesian đơn giản để hiểu rõ hơn sự vận hành của nền kinh tế và cách các kiến nghị chính sách thay đổi khi giả định trong mô hình thay đổi.

Mô hình kinh tế học Keynesian dạng "p-phẩy"

Mô hình được sử dụng phân tích ở đây là mô hình Tổng cung (AS) – Tổng cầu (AD) tĩnh với thông tin không hoàn hảo.

Về mặt tổng cầu, mô hình hình thành đường AD thể hiện mối tương quan giữa sản phẩm tạo ra (Y) và chỉ số giá (P). Theo mô hình tiêu chuẩn của Keynesian, tổng hợp các điểm cân bằng trong thị trường hàng hoá (Y = C + I(i) + G + NX) tạo nên đường IS (Đầu tư – Tiết kiệm) dốc xuống; tổng hợp các điểm cân bằng trong thị trường tiền tệ (Y = L(i,M)) tạo nên đường LM (Thanh khoản - Tiền tệ) đi lên. Cả hai đường này đều thể hiện mối tương quan giữa lãi suất danh nghĩa (i) và sản lượng đầu ra.

Khi kỳ vọng về giá cả thay đổi (Pe thay đổi), với giả định lãi suất thực không đổi, lãi suất danh nghĩa sẽ thay đổi (i = r + pe), dẫn đến sản lượng đầu ra sẽ thay đổi. Điều này sẽ giúp hình thành đường AD (Hình 1).


IS/LM
Hình 1: Hình thành Tổng cầu qua IS/LM

Song song với đó, đường Tổng cung (AS) được phân thành hai dạng là Tổng cung trong dài hạn và Tổng cung trong ngắn hạn -- bài này sẽ tạm thời không quan tâm đến đường dài hạn.

Tổng cung ngắn hạn được hình thành thông qua thị trường lao động, trong đó chỉ số quan trọng là kỳ vọng của người lao động (p-phẩy/p’) đối với chỉ số giá Pe của tương lai. Đây là lí do mà mô hình này được gọi là mô hình p-phẩy (p-prime).

Cụ thể, người lao động sẽ cung ứng sức lao động theo cách sau (Hình 2):

- Nếu p-phẩy bằng 1, người lao động cập nhật chính xác kỳ vọng lạm phát và yêu cầu mức lương danh nghĩa tương ứng để đảm bảo mức lương thực không thay đổi tại mỗi mức cung ứng lao động.

- Nếu p-phẩy nhỏ hơn 1, người lao động cập nhật một phần kỳ vọng lạm phát và yêu cầu mức lương danh nghĩa thấp hơn, dẫn đến lương thực thấp hơn cho mỗi mức cung ứng lao động. Đường cung lao động thấp hơn so với trước đây mỗi khi có tín hiệu lạm phát trong nền kinh tế.

- Nếu p-phẩy lớn hơn 1, người lao động quá lo lắng về lạm phát và sẽ đòi mức lương danh nghĩa cao, dẫn đến việc lương thực cao lên cho mỗi mức cung ứng lao động. Đường cung lao động cao lên so với trước đây.

 

p-phẩy và cung lao động
Hình 2: Cung lao động thay đổi khi có lạm phát

Theo đó, đường tổng cung ngắn hạn sẽ được hình thành như sau (Hình 3):

Khi Pe thay đổi, đường cung lao động di chuyển lên hoặc xuống tuỳ vào giả định về p-phẩy -- nói cách khác là tuỳ vào cách người lao động nhìn nhận lạm phát tương lai của nền kinh tế. Việc này làm thay đổi điểm cân bằng trong thị trường lao động và từ đó tạo ra đường tổng cung trong ngắn hạn. Cụ thể:


p-phẩy và tổng cung ngắn hạn
Hình 3: Tổng cung ngắn hạn có thể dốc lên, hoặc xuống theo p-phẩy

- Nếu p-phẩy nhỏ hơn 1, mỗi khi kỳ vọng giá tương lai Pe tăng lên, đường cung lao động hạ xuống. Thị trường lao động hình thành điểm cân bằng mới với mức lương thật nhỏ hơn và lao động có việc làm tăng lên. Lao động có việc làm tăng lên khiến sản phẩm đầu ra Y cũng tăng lên. Như vậy, đường tổng cung ngắn hạn hình thành với giá và sản phẩm đầu ra biến đổi cùng chiều. Nói cách khác, đường tổng cung ngắn hạn dốc lên (như bình thường vẫn thấy).

- Nếu p-phẩy bằng 1, mỗi khi kỳ vọng giá tương lai Pe tăng lên, người lao động điều chỉnh chính xác kỳ vọng và đường cung lao động không đổi. Theo đó, đường tổng cung ngắn hạn sẽ thẳng đứng.

- Nếu p-phẩy lớn hơn 1, mỗi khi kỳ vọng giá tương lai Pe tăng lên, người lao động đòi hỏi lương danh nghĩa cao hơn mức giá tăng. Đường cung lao động sẽ dịch chuyển lên trên; thị trường hình thành điểm cân bằng mới với lương thực cao hơn nhưng ít người có việc làm hơn. Theo đó, sản lương cũng sẽ ít đi tương ứng. Như vậy, đường tổng cung ngắn hạn trong trường hợp này lại thể hiện tổng sản phẩm đầu ra đi xuống khi giá tăng lên -- hay là đường tổng cung ngắn hạn dốc xuống.

Kích cầu lại khiến đình lạm (stagflation)

Khi phân tích thị trường các nước phát triển, p-phẩy thường được cho là nằm trong khoảng từ 0 đến dưới 1. Điều này hợp lý vì tại các quốc gia này, lạm phát cao thường xuyên ít khi xảy ra nên người lao động không (quá) lo lắng về việc giá cả tăng. Bên cạnh đó, với thông tin không đầy đủ, người lao động thường không cập nhật hết được sự chuyển biến của giá. Với những giả định này, mô hình sẽ sản sinh ra đường tổng cung ngắn hạn dốc lên.

Chính vì vậy, trong thời kỳ suy thoái, các chính phủ có thể tự tin kích cầu thông qua các chính sách tiền tệ hoặc tài khóa, dịch chuyển IS/LM và chấp nhận lạm phát cao hơn bình thường một chút. Người sử dụng lao động điều chỉnh giá cho phù hợp, nhưng người lao động chỉ điều chỉnh một phần mức lương danh nghĩa kỳ vọng, khiến tiền lương thực tế thấp hơn nhưng cung lao động cao hơn, do đó sản lượng trong nền kinh tế cao hơn.

Ngược lại, trong bối cảnh của các quốc gia có lịch sử lạm phát cao, giả định phù hợp hơn là p-phẩy lớn hơn 1. Khi mức giá trên thị trường có xu hướng tăng, người lao động cũng có xu hướng phản ứng thái quá và cho rằng lạm phát sẽ ​​cao hơn mức thực tế.

Khi đó, kịch bản p-phẩy lớn hơn 1 tạo ra đường tổng cung ngắn hạn dốc xuống. Và khi tình huống này xảy ra, chính sách kích cầu của chính phủ trong bối cảnh suy thoái có thể khiến giá cả tăng lên nhưng sản lượng thực lại giảm (Hình 4). Điều này là do các chính sách kích cầu của chính phủ phần nào làm tăng giá danh nghĩa, kết hợp với phản ứng nhạy cảm quá mức với lạm phát sẽ khiến người lao động đòi hỏi mức lương danh nghĩa cao đến mức làm tăng mức lương thực. Tương ứng, người sử dụng lao động sẽ có phản ứng giảm sản lượng và việc làm. Điều này dẫn đến GDP thấp hơn và lạm phát cao hơn, chưa kể đến tình trạng thất nghiệp cao hơn kéo theo. Như vậy, nền kinh tế rơi vào đình lạm (stagflation) chính từ nỗ lực kích cầu của chính phủ.


Kích cầu dẫn đến lạm phát định trệ (stagflation)
Hình 4: Chính sách kích cầu vô tình đẩy nền kinh tế vào tình trạng đình lạm

Trong bối cảnh như vậy (p’ > 1), các nhà hoạch định chính sách có thể cân nhắc đến các chính sách thắt chặt và hy vọng sẽ nhận được kết quả ngược lại. Chính phủ có thể làm giảm cầu (tức là dịch chuyển đường cầu sang trái) và giảm giá danh nghĩa. Theo góc nhìn của thị trường lao động, điều này tương đương với việc tăng lương thực và thúc đẩy mong muốn làm việc. Nếu mọi thứ điều chỉnh theo dự đoán của mô hình, chúng ta sẽ có mức lương danh nghĩa thấp hơn (nhưng lương thực cao hơn), việc làm nhiều hơn và kéo theo sản lượng đầu ra cao hơn. Có vẻ như chính sách sẽ đạt được mục tiêu một cách thành công.

NHƯNG, một chữ "nhưng" lớn ở đây, vấn đề là người lao động không bao giờ chấp nhận bị giảm lương danh nghĩa, bất kể điều gì có thể xảy ra. Kịch bản người sử dụng lao động có thể thuyết phục người lao động chấp nhận mức lương danh nghĩa thấp hơn và chờ nền kinh tế giúp tăng lương thực dường như không bao giờ thành công. Do vậy, cơ chế này không có tính thực tế, và chính sách thắt chặt sẽ chỉ tạo ra sự hỗn loạn trong hệ thống.

Vậy, với p-phẩy lớn hơn 1, chính phủ phải ứng phó với khủng hoảng thế nào? Câu trả lời có lẽ là… không thể làm gì cả -- ít ra là trong ngắn hạn.

Tất nhiên, mô hình trên chỉ đơn thuần là một mô hình đồ chơi, được giản lược tối đa để phục vụ mục đích phân tích. Bất kỳ kết luận nào cũng cần được xem xét một cách thận trọng hơn./.

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • Zalo

©2021 by Hathaway Group.

bottom of page