Cục diện và vị thế của toàn lĩnh vực nghiên cứu kinh tế vĩ mô đã có sự thay đổi sâu sắc trong 50 năm qua với sự xuất diện của Mô hình cân bằng động ngẫu nhiên tổng quát (DSGE).
Lược sử kinh tế học vĩ mô
Theo một cách chủ quan, lịch sử kinh tế học vĩ mô có thể được tóm tắt qua sự đóng góp của bốn nhà nghiên cứu. Thứ nhất là Adam Smith với tác phẩm “ Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia” năm 1776. Thứ hai là John M. Keynes với tác phẩm “Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ” năm 1936. Thứ ba là Edward C. Prescott và Finn E. Kydland với hai công trình “Quy luật hơn tùy ý: Sự không nhất quán của kế hoạch tối ưu” năm 1977 và “Đến lúc để xây dựng và tổng hợp giao động bất thường” năm 1982.
Adam Smith và John M. Keynes là những cái tên vốn đã quen thuộc với giới quan sát.
Adam Smith được coi là người đặt nền móng cho lý luận về nghiên cứu kinh tế vĩ mô với khái niệm “bàn tay vô hình”. Trong tư duy của ông, các chủ thể trong nền kinh tế vận hành theo động lực cá nhân và thị trường tự do sẽ tự điều chỉnh để tối ưu hoá lợi ích của tất cả mọi người. Theo đó, nhà nước không có vai trò gì trong việc điều hành nền kinh tế. Đây cũng chính là nguyên tắc cơ bản của trường phái Kinh tế học cổ điển.
Trong thực tế, khủng hoảng xảy ra thường xuyên và nền kinh tế phải trải qua nhiều giai đoạn hoạt động dưới mức tối ưu. Qua nghiên cứu của mình, John M. Keynes miêu tả nền kinh tế như một cỗ máy phức tạp nhưng bao gồm những sợi dây liên kết cơ bản giữa lãi suất, thất nghiệp và tiền tệ. Dù trong lâu dài nền kinh tế có thể tự điều chỉnh về điểm cân bằng tối ưu, nhưng nhà nước có thể can thiệp để đi tới điểm đó một cách nhanh hơn. Nghiên cứu của ông mở ra một trường phái kinh tế học vĩ mô mới mang chính tên mình: Kinh tế học Keynesian.
Tới những năm 1970s, trong bối cảnh lạm phát và thất nghiệp tăng cao, các chính sách tài khoá và tiền tệ dường như bất lực trong việc điều tiết nền kinh tế. Kinh tế học Keynesian chịu áp lực nặng nề vì không thể đưa ra được giải pháp khắc phục.
Song song với đó, giới quan sát lên án lĩnh vực kinh tế vĩ mô nói chung vì những nghiên cứu lý thuyết thời đó còn mang tính lý luận ước lệ mà không có nền tảng kỹ thuật vững chắc. Ví dụ đơn giản nhất là việc nếu lãi suất tăng thì tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng; nhưng tăng bao nhiêu, theo lộ trình thế nào thì các nhà nghiên cứu khi đó không thể trả lời được.
Kinh tế học vĩ mô đòi hỏi một cách tiếp cận mới hơn và những công cụ sắc bén hơn để phân tích dự báo và kiến nghị chính sách.
Bước tiến dài của kinh tế học vĩ mô
Với nền tảng toán học vững chắc từ khi còn học đại học, Edward C. Prescott cùng học trò của mình là Finn E. Kydland đã cố gắng để xây dựng những mô hình kỹ thuật cho kinh tế học vĩ mô trong hầu hết cuộc đời nghiên cứu của mình.
Năm 1977, Prescott và Kydland đã đưa ra một mô hình miêu tả tương tác phức tạp giữa nhà nước và nền kinh tế, qua đó chứng minh sự tồn tại của một trong những khó khăn lớn nhất của nhà nước là cơ chế “không nhất quán thời gian” (time inconsistency) trong chính sách. Trong khi vai trò của chính sách là điều chỉnh hành vi của các chủ thể để hướng tới một điểm cân bằng tối ưu cho nền kinh tế, bản thân các chủ thể sẽ hiểu và đoán được các chính sách để hành động. Khi chính sách ban hành, trường hợp tốt nhất là không có giá trị. Ví dụ như tại thời điểm bất kỳ cần kích cầu, chính phủ thường sẽ tăng chi tiêu hoặc giảm thuế. Nếu các chủ thể kỳ vọng điều này, họ sẽ tăng đầu tư và chi tiêu từ trước. Chính sách, lúc ban hành, sẽ khiến nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn mục tiêu tối ưu và đẩy lạm phát lên cao.
Đối mặt với cơ chế “không nhất quán thời gian” trong chính sách, nhà nước chỉ có thể làm một điều duy nhất là cam kết không can thiệp vào nền kinh tế.
Tới năm 1982, Prescott và Kydland cho ra đời tiếp một mô hình tổng quan để giải thích tăng trưởng và suy thoái kinh tế. Qua mô hình dầy đặc công thức toán học, hai nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng chu kỳ kinh tế phụ thuộc chính vào tăng trưởng năng suất thực. Ví dụ như khi khả năng đổi mới sáng tạo thay đổi khiến năng suất suy giảm, nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái, dẫn đến suy giảm về nhu cầu sử dụng lao động và mức lương. Theo đó, người lao động sẽ nghỉ việc và tìm kiếm việc mới. Điều này khiến cho tỷ lệ thất nghiệp thay đổi tương ứng theo chu kỳ kinh tế.
Trên góc nhìn này, các chính sách can thiệp kích cầu, dù là tài khóa hay tiền tệ, đều không có tác dụng vì chúng không thể làm thay đổi được năng suất thực. Như Prescott đã từng phát biểu, các chính sách điều tiết chu kỳ kinh tế cũng có tác dụng giống như việc “cầu mưa” vậy.
Những nghiên cứu này của Prescott và Kydland đã thiết lập nên một trường phái mới là Lý thuyết chu kỳ kinh tế thực, góp phần đưa kinh tế học vĩ mô từ vị thế một môn xã hội học lên gần hơn với vị thế khoa học kỹ thuật. Đỉnh điểm của trường phái này là sự kiến tạo cho cả thế hệ Mô hình cân bằng động ngẫu nhiên tổng quát (DSGE) với nỗ lực miêu tả tất cả các chủ thể trong nền kinh tế và tất cả tương tác giữa các chủ thể cùng một lúc qua các phương trình toán học.
Nghiên cứu kinh tế vĩ mô về sau không còn đơn thuần là những lý luận ước lệ nữa, mà luôn bao gồm những mô hình toán học cụ thể và những kết luận đến từ việc giải các phương trình, hệ phương trình phức tạp.
Kinh tế học vĩ mô hiện đại

So với Adam Smith và John M. Keynes, cái tên Prescott và Kydland ít được biết đến. Một mặt, giới chính sách chắc chắn không thích những lý thuyết của Prescott và Kydland khi hầu hết các kết luận đều đánh giá thấp vai trò của nhà nước. Mặt khác, câu chuyện kinh tế trong trường phái này cho rằng chu kỳ kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào những cú sốc bất ngờ đối với năng suất thực và thất nghiệp là do người lao động lựa chọn như vậy. Đây là sự lý giải không “hợp tai” đối với hầu hết mọi người. Thêm vào đó, một lượng lớn nghiên cứu sau này cũng đã chứng minh rằng các kết quả toán học của các mô hình trong trường phái này đều không giải thích được những số liệu thực tiễn và mỗi sự thay đổi nhỏ trong mô hình lại khiến kết quả thay đổi quá nhiều.
Theo đó, Lý thuyết chu kỳ kinh tế thực trở nên nổi tiếng vì tính kỹ thuật của nó, nhưng cũng nhanh chóng bị bỏ rơi. Đến thời điểm hiện nay, trường phái này đã bị dần dần thay thế bởi một trường phái khác với tên gọi Kinh tế học Keynesian mới, thực chất là sự trỗi dậy của trường phái Kinh tế học Keynesian.
Hoàn toàn dựa trên khung mô hình toán học mà Prescott và Kydland đã xây dựng, các nhà nghiên cứu sau này điều chỉnh một số giả định về sự vận hành trong nền kinh tế để sản sinh ra được các kết quả sát hơn với Kinh tế học Keynesian. Cụ thể, tương phản với Kinh tế học cổ điển và Lý thuyết chu kỳ kinh tế thực khi cho rằng các doanh nghiệp cập nhật giá sản phẩm một cách thường xuyên theo cung - cầu của thị trường, Kinh tế học Keynesian mới giả định những chủ thể trong nền kinh tế tiếp nhận và xử lý thông tin khác nhau vào các thời điểm khác nhau nên cập nhật giá sản phẩm không thường xuyên và không cùng một thời điểm. Giả định này khiến tăng trưởng kinh tế và thất nghiệp biến động ngay cả khi không có những cú sốc về năng suất thực.
Từ việc thay đổi giả định, Kinh tế học Keynesian mới đưa được những thất bại của thị trường vào trong mô hình DSGE. Trên cơ sở đó, vai trò của nhà nước trong việc sửa chữa các thất bại của thị trường qua các chính sách điều tiết một lần nữa lại được khẳng định.
Trong một thời gian ngắn, Mô hình DSGE theo trường phái Kinh tế học Keynesian mới đã trở thành ngôn ngữ chủ đạo để giới khoa học trao đổi, nghiên cứu và kiến nghị chính sách.
Thêm vào đó, các mô hình DSGE theo trường phái Kinh tế học Keynesian mới còn có thể được giải thích ngắn gọn và dễ hiểu cho những người không chuyên khi sử dụng những công cụ cũ từ 70 năm trước của trường phái Kinh tế học Keynesian. Đây cũng là lý do mà trường phái Kinh tế học Keynesian mới trở nên quen thuộc không chỉ trong giới nghiên cứu, giới chính sách mà cả đối với công chúng nói chung.
DSGE chỉ là một công cụ chưa hoàn chỉnh
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Kinh tế học Keynesian đã không thể làm giới quan sát quên đi một thực tế phũ phàng: Kinh tế học Keynesian mới và Lý thuyết chu kỳ kinh tế thực đều nằm trên cùng một nền tảng mô hình toán học; theo đó, chúng chịu cùng những thất bại tương tự nhau. Cho dù lập luận kinh tế qua các mô hình của Kinh tế học Keynesian mới nghe hợp lý hơn và được chấp nhận nhiều hơn, các kết quả toán học vẫn không thể miêu tả được các dữ liệu thực tế; các dự báo đưa ra thường không chính xác hơn nhiều so với những mô hình dự báo đơn giản.
Nói một cách khác, bước tiến lớn nhất trong kinh tế học vĩ mô kể từ sau Adam Smith và John M. Keynes là các mô hình DSGE theo trường phái Lý thuyết chu kỳ kinh tế thực và Kinh tế học Keynesian mới, tính đến nay, gần như chưa có chút hữu dụng thực tế nào trừ việc giúp cho ra đời nhiều nghiên cứu hơn.
Lý do Prescott và Kydland được trao giải Nobel Kinh tế 2004 là đã phát triển được bộ công cụ sắc bén cho việc phân tích kinh tế vĩ mô, chứ không phải là những kết quả cụ thể mà các công cụ đó đem lại.
Nếu so với các lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác, kinh tế học vĩ mô là một ngành còn khá non trẻ và vẫn đang trong giai đoạn cần những công cụ hữu ích phục vụ nghiên cứu. Những công cụ này có thể chưa thực sự đem lại kết quả như mong muốn, nhưng theo thời gian, khi các nhà nghiên cứu đã thuần thục hơn trong việc sử dụng chúng, có lẽ các kết quả sát hơn, đúng hơn sẽ được khám phá.
Trong 50 năm qua, và có thể trong cả 50 năm tới, khi các nhà nghiên cứu học vĩ mô hiểu sâu hơn sự vận hành của thị trường, phát kiến được những mô hình hay hơn, hữu dụng hơn, phục vụ chính sách và nền kinh tế tốt hơn, chắc chắn họ phải cảm ơn những công cụ sắc bén mà Giáo sư Edward C. Prescott và cộng sự đã kiến tạo ra./.
Comentarios