Link phần 1 của bài viết : https://www.huudao.com/post/tim-hieu-ve-lam-phat
Bài trình bày đã đưa ra cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình lạm phát thực tế tại Mỹ tính đến thời điểm tháng 11/2021, và căn cứ trên khung lý thuyết đã trình bày ở Phần 1 để tìm hiểu và xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát đó.
Phần 2: Thực trạng lạm phát tại Mỹ tính đến tháng 11/2021
Ứng dụng vào nền kinh tế Mỹ 2020 – 2021
Cuối năm 2019, đầu năm 2020, thế giới ghi nhận sự hiện diện của một loại vi rút có sức lây lan khó lường. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hầu hết các quốc gia đều phải chấp nhận sự khởi đầu của đại dịch Covid – 19 với số ca nhiễm và tử vong tăng ngoài mức kiểm soát.
Mỹ có một nền kinh tế mở và vận hành chủ yếu theo cơ chế thị trường. Chỉ ngay tháng 2 năm 2020, trước tác động của đại dịch Covid 19, nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu lâm vào khủng hoảng thừa với hầu hết các hoạt động tiêu dùng, đầu tư gắn với hoạt động xã hội bị đình trệ. Hiện tượng giảm phát diễn ra trong giai đoạn tháng 02-06/2020 như thấy trong Hình 4.
Hình 4: Giá cả căng nhanh trong giai đoan 2020-2021
Mỹ đã không đóng cửa mà tiếp tục để các hoạt động kinh tế - xã hội được tiếp tục diễn ra. Đại dịch Covid 19 lây lan ở mức cao nhất thế giới ngay cả khi Mỹ đưa vaccine vào phủ rộng trên cả nước. Giai đoạn 2020-2021, nền kinh tế Mỹ ghi nhận nhiều biến động về cả vận hành và chính sách.
Riêng về chỉ số lạm phát, như thấy trong Hình 4, tốc độ tăng của giá cả ở mức khoảng 1-2% trong năm 2020, nhưng có xu thế tăng cao trong năm 2021. Đến tháng 11/2021, lạm phát ghi nhận ở mức cao kỷ lục khiến người dân và Chính phủ đều lo ngại. Trong tháng 12/2021, các nhà làm chính sách ở Mỹ buộc phải thừa nhận lạm phát không phải là “tạm thời” mà có nguy cơ trở thành xu thế trung và dài hạn. Như phân tích ở trên, lạm phát tăng cao có thể ảnh hưởng trầm trọng tới sự vận hành của nền kinh tế và đặt áp lực nặng nề lên những nhà làm chính sách, cụ thể là chính quyền của Tổng thống Biden và Chủ tịch Powell của Fed.
Tiền tệ:
Hình 5: Cung tiền tăng đột biến vào 2020
Dựa vào biểu đồ trên, cung tiền M1 được bơm trực tiếp vào nền kinh tế để phục vụ mục đích chi tiêu tăng đột ngột trong giai đoạn 2020 – 2021 (đạt xấp xỉ 4 lần so với năm 2019). Dựa theo lý thuyết tiền tệ (Quantity Theory of Money), trong thời gian ngắn khi lượng sản phẩm thật không đổi, cung tiền tăng thì giá cả hàng hóa sẽ tăng tương quan với sự gia tăng của cung tiền vào nền kinh tế kéo theo lạm phát tăng. Tuy nhiên, trong giai đọan 2020 – 2021, chỉ số CPI lại chỉ tăng nhẹ, thể hiện rõ sự tách biệt giữa cung tiền vào nền kinh tế với chỉ số giá cả cũng như chỉ số tiêu dùng của nền kinh tế.
Giá dầu
Hình 6: Chỉ số giá tiêu dùng so với giá dầu thô giai đoạn 2020-2021
Trong giai đoạn từ tháng 02/2020 đến tháng 11/2021, giá dầu có những biến động rất mạnh đặc biệt là giai đoạn đầu từ 3/2020 đến 5/2020 khi giá dầu có xu hướng giảm mạnh. Tuy nhiên đến thời điểm 11/2021 thì giá dầu đã đi lên đáng kể so với mốc bắt đầu và từ góc tiếp cận lý thuyết , đẩy chi phí sản xuất tăng lên dẫn cùng với giá cả gây ra lạm phát ở Mỹ. Mặc dù vậy, tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế Mỹ trong thực tế vẫn chưa phản ánh được quá rõ những biến động trong giá dầu thô khi chỉ số CPI vẫn không có biến động tương quan rõ ràng với giá dầu.
Đứt gãy chuỗi cung ứng
Hầu hết các quốc gia trên thế giới trong giai đoạn 2020-2021 đều tiến hành đóng cửa biên giới, hạn chế giao thương hàng hóa khiến cho vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng trở thành không thể tránh khỏi. Cụ thể, chính sách “Zero Covid” được Trung Quốc tiến hành trong giai đoạn Covid – 19 đã hạn chế các hoạt động giao thương hàng hóa của nước này là một trong những nguyên nhân chủ đạo ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thiếu hụt lao động.
Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch. Việc phải đưa ra các chính sách để đối chọi lại với dịch Covid-19 đã dẫn tới việc thiếu hụt lao động kéo theo đó là việc thiếu hụt nhân công, gián đoạn sản xuất. Một khó khăn nữa mà chính phủ Mỹ đang phải đối mặt chính cuộc đại khủng hoảng lao động “The Great Resignation” khi người lao động có xu hướng bỏ việc nhiều hơn hẳn so với các giai đoạn khác.Việc người lao động bỏ việc có thể truy về 2 lý do chính:
Một là, các gói hỗ trợ người dân trong giai đoạn 2020 - 2021 thông qua trợ cấp tiền mặt đã góp phần cải thiện thu nhập chung cho người dân Mỹ. Đối với một số trường hợp cụ thể người dân Mỹ có mức thu nhập từ chính sách hỗ trợ của Mỹ cao hơn thu nhập trung bình của họ trong tháng dẫn tới giảm động lực đi làm.
Hai là, một nhóm người lao động lớn trong xã hội cảm thấy hoàn cảnh làm việc trong giai đoạn này chứa quá nhiều rủi ro mắc bệnh đồng thời thu nhập từ việc đi làm không ổn định cộng với những nguồn thu nhập đến từ trợ cấp xã hội trong đại dịch dẫn đến việc người lao động có xu hướng nghỉ hoặc chuyển sang những công việc từ xa có rủi ro thấp hơn.
Việc này đã tạo thành sự thiếu hụt lao động lớn, ảnh hưởng tới quá trình kinh doanh sản xuất và trực tiếp tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung hàng hóa, khiến cho giá cả leo thang và làm tăng lạm phát tại Mỹ.
Tiêu dùng
Hình 7: Nhu cầu mua sắm và chỉ số giá tiêu dùng giai đoạn 2020-2021
Dịch bệnh ảnh hưởng tới tiêu dùng của người dân Mỹ rất lớn. Trong đó chi phí tiêu dùng ngắn hạn tăng lên so với chi tiêu dài hạn và chi tiêu cho các dịch vụ. Việc mở cửa trở lại nền kinh tế đã giúp cho chi tiêu dài hạn đã phần nào phục hồi lại. Mặc dù vậy, chi tiêu cho các dịch vụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi do các dịch vụ du lịch, giải trí cũng như các dịch vụ cơ bản khác vẫn còn phải đối mặt với ảnh hưởng của dịch và góp phần gây ra tình trạng lạm phát tại Mỹ.
Chi tiêu chính phủ
Hình 8: Thay đổi của chi tiêu chính phủ so với chỉ số giá tiêu dùng
Ngay từ khi dịch Covid-19, Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên có những động thái từ phía Chính phủ hướng đến việc khắc phục những khó khăn và phòng chống dịch bệnh. Riêng trong giai đoạn 2021 – 2021, Chính phủ Mỹ đã thông qua 5 gói hỗ trợ lớn với mục tiêu khắc phục khó khăn, hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội… Việc đưa ra các gói hỗ trợ phòng chống dịch đã khiến cho chi tiêu Chính phủ trong giai đoạn này tăng vọt lên. Chi tiêu Chính phủ, đặc biệt là các khoản hỗ trợ trực tiếp đối với người dân đã góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt lao động, tăng cầu hàng hóa, tăng giá cả dẫn tới lạm phát trong nền kinh tế.
Kỳ vọng
Hình 9: Kỳ vọng lạm phát so với chỉ số giá tiêu dùng
Kỳ vọng về lạm phát tăng lên rõ rệt từ đó ảnh hưởng tới lạm phát tại thời điểm hiện tại. Về mặt lý thuyết, kỳ vọng lạm phát tăng lên sẽ phản ánh vào lạm phát thực tại.
Hình 10: Kỳ vọng lạm phát của các tác nhân khác nhau trong nền kinh tế
Dựa theo cách xác định kỳ vọng lạm phát theo đối tượng khác nhau trong nền kinh tế, các đối tượng đều có chung kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Việc các đối tượng khác nhau trong nền kinh tế có chung kỳ vọng về lạm phát trong thời gian tới cũng đã phản ánh được việc tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến lạm phát tăng đều đã xảy ra trong thời gian 2 năm gần đây
Có đáng lo không? Lương vs lạm phát
Hình 11: Lương vs chỉ số lạm phát giai đoạn 2020-2021
Giai đoạn 03/2020 khi lạm phát đi xuống, thu nhập của người dẫn Mỹ tăng đột biến do việc chính phủ tung ra các gói hỗ trợ trực tiếp làm tăng thu nhập của người dân. Trong giai đoạn tiếp theo, thu nhập của người dẫn Mỹ vẫn tiếp tục tăng đồng đều đi kèm với lạm phát.
Hình 12: Lương vs chỉ số giá tiêu dùng từ 1980 tới nơi
Khởi đầu từ năm 1979, lương và lạm phát tăng đều nhau, khoảng cách giữa việc tăng lương và lạm phát là không đáng kể và tương quan với nhau. Khởi đầu từ năm 2015 - đến nay khoảng cách giữa lương và lạm phát đã có những thay đổi đáng kể khi tốc độ tăng lương của người lao động là nhanh hơn so với lạm phát.
Điều này có thể được lý giải do nền kinh tế của Mỹ phục hồi với tốc độ chậm hậu các cuộc khủng hoảng lớn như cuộc đại suy thoái 2008, khủng hoảng nợ châu Âu 2010,… Một loạt các cuộc khủng hoảng liên tiếp khiến cho người tiêu dùng Mỹ thiếu tự tin vào thị trường khiến cho việc tiêu dùng giảm. Chỉ đến năm 2015, người tiêu dùng mới bắt đầu yên tâm đối với những phục hồi của kinh tế hậu khủng hoảng và tiêu dùng dần trở lại bình thường.
Có đáng lo không? Đứt gãy chuỗi cung ứng
Hình 13: Thắt nút cổ chai ở một số ngành trong chuỗi cung ứng
Tháng 11/2021, Ngân hàng BIS đã đưa ra một nghiên cứu về vấn đề lạm phát của Mỹ với kết luận khẳng định ảnh hưởng của việc đứt gãy chuối cung ứng tới lạm phát của Mỹ.
Theo nghiên cứu trên, một số nhóm ngành công nghiệp thượng nguồn đã chịu những ảnh hưởng rất lớn từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng và xảy ra tình trạng nút thắt cổ chai. Tại thời điểm của bài nghiên cứu, CPI của Mỹ đã vượt mốc 4,5%. Tuy nhiên nghiên cứu đã chỉ ra việc mốc CPI trên là hệ quả của việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khi CPI của Mỹ sau khi loại trừ các nhóm ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi yếu tố trên chỉ còn 2,7% (thấp hơn 1,8% so với ban đầu).
Có đáng lo không? Phillips curve
Hình 14: Đường cong Phillips trong giai đoạn 1980 - 2020
Phillips curve: đường cong thể hiện mối tương quan giữa lạm phát và thất nghiệp, giá cả tăng cao thì mọi người sẽ chi tiêu nhiều và các doanh nghiệp sẽ tranh thủ đầu tư, mở rộng, thuê thêm lao động và tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm; ngược lại nếu lạm phát giảm thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao.
Tuy nhiên nhìn trên thực tế thì mối tương quan này có vẻ có sự thay đổi. Cụ thể vào giai đoạn 2020 thì thấy điều này tương đối đúng: tỷ lệ thất nghiệp giảm, lạm phát tăng và GDP giảm. Vậy cần ứng phó như thế nào?
Có đáng lo không? Từ phía nhà quản lý
Cuối tháng 11/2021, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã thống nhất ý kiến tình trạng lạm phát tại nước này là một vấn đề dài hạn và có những hệ quả lớn: tỷ lệ lạm phát tại thời điểm 11/2021 đạt độ cao kỉ lục trong 30 năm gần đây. Dưới những biến động về lạm phát trên, FED đã bắt đầu có những động thái dưới dạng các kế hoạch và chính sách để đối phó với lạm phát trong dài hạn.
Dư địa cho đối sách
Hình 15: GDP tăng trưởng chậm nhưng tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm
Mỹ đang phải đối mặt với một số vấn đề liên qua tới lạm phát khi lạm phát đang tăng nhanh nhưng trái lại, GDP với cụ thể là tăng trưởng GDP của Mỹ tại thời điểm tháng 7/2021 đang có xu hướng giảm xuống dưới mức 0. Tuy nhiên, với việc tỷ lệ thất nghiệp cũng đang có xu hướng giảm đồng thời mức lãi suất của Mỹ cũng đang ở sát ngưỡng 0% thì dư địa cho việc đưa ra các đối sách để kiểm soát lạm phát ở Mỹ vẫn còn rất nhiều.
Dư địa cho đối sách: Chính sách tiền tệ
Hình 16: Lãi suất cơ bản còn ở mức rất thấp
Xét dưới góc độ tiền tệ, FED vẫn còn rất nhiều dư địa để đối phó với lạm phát khi lãi suất cơ bản ở Mỹ vẫn đang ở sát mức 0%. Từ cuối năm 2021, FED đưa ra các chính sách để dừng bơm tiền vào nền kinh tế thông qua việc tăng lãi suất cơ bản trong năm 2022 với mục tiêu giải quyết vấn đề lạm phát trong nền kinh tế.
Kết luận
Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến lạm phát đều đã xảy ra. Lạm phát ở Mỹ đã tăng cao nhất trong 30 năm trở lại đây. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã đưa ra quan điểm chung về việc lạm phát là vấn đề lâu dài mà không phải vấn đề tạm thời như những dự báo trước đó. Tuy nhiên, dư địa cho các đối sách kiểm soát lạm phát tại Mỹ vẫn còn rất nhiều và FED vẫn có khoảng trống để đưa ra các chính sách phù hợp nhằm khắc phục và kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.
Xem nội dung chi tiết tại slide dưới đây./.
Comments