top of page

Gói kích thích kinh tế 350 nghìn tỷ - dùng sao cho “đúng” và “trúng”?

Đã cập nhật: 30 thg 5, 2022

Điểm tin tuần từ 13 - 20/3/2022 xoay quanh chủ đề Gói kích thích kinh tế 350 nghìn tỷ - dùng sao cho "đúng" và "trúng" với nội dung như sau:


Gói kích thích kinh tế được Quốc hội thông qua tháng 1/2022 có quy mô 350 nghìn tỷ - lớn nhất từ trước đến nay. Được đánh giá là kịp thời, có độ bao phủ lớn với đa dạng chính sách và lĩnh vực, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề cần lưu ý khi thực thi các chính sách hỗ trợ này trong thực tế.


Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 17/1/2022 về “Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” đã thông qua một gói kích thích kinh tế ước tính 350 nghìn tỷ. Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình” nhằm cụ thể hóa những nội dung của gói kích thích kinh tế.


Một cách tổng quan, đây là gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất từ trước đến nay về quy mô của Chính phủ Việt Nam. Chính sách tài khóa được coi là trụ cột của gói chính sách lần này, chiếm đến 291 nghìn tỷ đồng (83%), ngoài ra là gói chính sách tiền tệ (14%) và một số chính sách khác. Thời gian dự kiến giải ngân trong 02 năm 2022-2023, chiếm 4.28% GDP và được đánh giá ở mức vừa phải so với các quốc gia đang phát triển cùng trình độ.


Phần lớn gói tài khóa được sử dụng để tăng chi đầu tư phát triển (176 nghìn tỷ), tập trung chủ yếu vào đầu tư cơ sở hạ tầng (hơn 110 nghìn tỷ). Ngoài ra là nhiều chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã; chính sách về đầu tư mua vật tư y tế, thiết bị, nâng cấp hệ thống y tế cấp cơ sở; chính sách an sinh xã hội, việc làm. Một phần không nhỏ (khoảng 60 nghìn tỷ) được sử dụng để giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022 (từ 10% xuống 8%) nhằm kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ (ngoại trừ một số ngành hàng ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch).


Đây là một “cú hích” rất kịp thời đối với nền kinh tế Việt Nam, đáp ứng được sự cấp thiết của bối cảnh kinh tế khó khăn và yêu cầu phục hồi kinh tế - xã hội mà Quốc hội đặt ra. Gói kích thích còn là tổng hợp của rất nhiều chính sách đa dạng, không chỉ giảm gánh nặng đối với cá nhân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, mà còn bơm thêm nguồn lực mạnh mẽ cho tăng trưởng. Ngoài ra, đối tượng được hưởng lợi từ gói kích thích cũng rất rộng, cho thấy độ phủ của chính sách hỗ trợ rất lớn.


Để thực hiện tốt gói kích thích kinh tế, đưa chính sách vào đời sống một cách hiệu quả và nhanh nhất, vẫn hiện hữu môt số quan ngại liên quan đến việc triển khai gói kích thích kinh tế trong thực tiễn. Đó là việc xác định đúng đối tượng nhận hỗ trợ, khả năng hấp thụ của nền kinh tế, và mức độ rủi ro của kinh tế vĩ mô.


Trước hết, cần phải xác định đúng những đối tượng nhận được hỗ trợ của gói phục hồi kinh tế. Những chủ thể này là những cá nhân, doanh nghiệp, ngành nghề chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19; hỗ trợ đúng những ngành nghề đi trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh, có sức lan tỏa rộng lớn với cả nền kinh tế, tạo được nhiều công ăn việc làm. Ngoài ra, việc hỗ trợ cũng cần phù hợp với chủ trương ưu tiên các động lực tăng trưởng trước mắt như tiêu dùng, đầu tư công và xuất nhập khẩu.


Việc giảm thuế VAT trên thực tế vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Nhiều doanh nghiệp vẫn không nắm rõ mặt hàng kinh doanh của mình có được áp dụng giảm thuế hay không. Ngoài ra còn có sự thờ ơ giữa các khu vực kinh tế với thuế VAT, hay tiến độ áp dụng khác nhau giữa các địa phương cũng khiến cho chính sách gặp trở ngại khi áp dụng.


Bên cạnh đó, vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng đang là một nút thắt lớn trong công tác triển khai gói hỗ trợ. Tiến độ giải ngân và thi công của các công trình này hiện đang rất chậm do nhiều nguyên nhân: thủ tục hành chính cho đầu tư; khó khăn nhập khẩu máy móc thiết bị; thiếu nhân công, chuyên gia tư vấn; công tác giải phóng mặt bằng trì trệ và giá vật liệu xây dựng tăng cao.


Cuối cùng, rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ năm 2009, cần có những cẩn trọng và kiểm soát tốt dòng vốn hỗ trợ lần này, tránh đưa nguồn hỗ trợ vào những thị trường đầu cơ như bất động sản hay chứng khoán, có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát cao. Ngoài ra, rủi ro nợ công cũng là một mối đe dọa tiềm tàng đối với ổn định kinh tế vĩ mô, cần phải có những theo dõi sát sao đối với ngân sách quốc gia cũng như tỷ lệ nợ công, bảo đảm an ninh tài chính công quốc gia./.


Xem nội dung chi tiết tại slide dưới đây./.



49 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page