top of page

Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng Một năm 2025

Ảnh của tác giả: Hữu ĐạoHữu Đạo

Các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 01 năm 2025 tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, tuy nhiên còn đan xen một số tín hiệu cảnh báo sớm trong các ngành sản xuất, thể hiện ở một số điểm cụ thể như sau.



Thứ nhất, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là điểm sáng lớn nhất trong các chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng này khi ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2024, là mức tăng cao thứ hai trong vòng 05 năm trở lại đây (chỉ sau mức tăng 13,3% của tháng 01/2023). Tuy nguyên nhân cơ bản của mức tăng này xuất phát từ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên Đán của người dân, nhưng mức tăng cao trong vòng 05 năm là điều đáng chú ý.

Thứ hai, số liệu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giải ngân đầu tư công cũng đưa đến tín hiệu tích cực cho những ngày đầu năm mới. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách ước đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2024. Khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp nhưng cũng phần nào minh chứng cho nỗ lực triển khai các dự án đầu tư công của các cơ quan hữu quan. Bên cạnh đó, FDI đăng ký tháng 01/2025 cũng tăng đột biến, đạt 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước. Cấu phần gia tăng chủ yếu đến từ vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước (tăng thêm 2,73 tỷ USD, gấp 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước) cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư hiện hữu vào triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, một vài chỉ số kinh tế vĩ mô khác lại đưa đến những quan ngại tiềm ẩn.

Thứ nhất, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 9,2% so với tháng trước, mặc dù vẫn giữ được mức tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm về IIP và kim ngạch xuất - nhập khẩu tháng 01/2025 có thể được lý giải bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán trong tháng 01 này [1] (Kỳ nghỉ tết Nguyên Đán năm 2024 là vào tháng 02). Vì vậy, đây chưa hẳn là tín hiệu tiêu cực của nền kinh tế, nhưng đòi hỏi sự theo dõi sát sao trong tháng tiếp theo.

Thứ hai, về biến động số lượng doanh nghiệp, trong tháng 01 này ghi nhận 52,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù 33,4 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động (tăng 15% so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ tăng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh không phải ở mức đột biến so với giai đoạn gần đây, mà điều đáng chú ý ở đây là nguyên nhân của trạng thái này. Liệu có phải một xu thế cơ cấu doanh nghiệp mới đang dần định hình trong nền kinh tế; các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn hay thị trường đã vận hành hiệu quả hơn trong việc đào thải các doanh nghiệp yếu kém? Việc theo dõi biến động doanh nghiệp trong giai đoạn tới sẽ cần được chú trọng hơn nữa để trả lời cho câu hỏi này.

Thứ ba, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tháng 01/2025 sụt xuống mức 48,9 điểm [2], là tháng thứ hai liên tiếp (cùng với mức 49,2 điểm của tháng 12/2024) ở dưới ngưỡng mở rộng 50,0 điểm. Điều này cùng với sự sụt giảm về số lượng đơn hàng mới, sự chậm trễ trong cung ứng nguyên liệu, chi phí vận tải tăng cao là những quan ngại về các khó khăn mà doanh nghiệp có thể phải đối mặt trong những tháng tiếp theo.

Nói tóm lại, các chỉ số kinh tế vĩ mô tổng quát của tháng đầu năm 2025 cho thấy những tín hiệu tích cực cùng những quan ngại đan xen lẫn nhau. Trước các diễn biến liên tục từ tình hình kinh tế thế giới, chính sách đặc thù của các quốc gia và nguy cơ chiến tranh thương mại quốc tế có thể diễn ra bất kỳ lúc nào, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những tác động chưa thể ước lượng được. Hathaway Policy kiến nghị cần thận trọng quan sát và có chuẩn bị phù hợp cho kịch bản kém tích cực hơn hay những biến động có tính bất thường./.


---------

[1] Tháng 1 năm 2025 bao gồm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nên số ngày làm việc ít hơn 05 ngày

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • Zalo

©2021 by Hathaway Group.

bottom of page