top of page

COP27: Thế giới và Việt Nam

Đã cập nhật: 24 thg 3, 2023

Từ ngày 06 - 20/11/2022 vừa qua, Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã được tổ chức tại Ai Cập. Hội nghị có sự tham dự của hơn 92 nguyên thủ quốc gia và ước tính khoảng 35.000 đại diện/đại biểu của 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Tiếp nối thành công của COP26 tại Vương quốc Anh - nơi rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã đưa ra cam kết về phát thải ròng bằng “0” (Net Zero), COP27 tiếp tục thảo luận về các chủ đề như giữ vững mục tiêu nhiệt độ trái đất tăng dưới 1.5 độ C, các chính sách thích ứng giúp bảo vệ cộng đồng môi trường sống tự nhiên, huy động nguồn vốn giúp các nước đang phát triển thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu và hợp tác để hoàn thiện Sách luật Paris.


Sau nhiều ngày thảo luận, hai nội dung quan trọng đáng chú ý gồm: (i) Kế hoạch đột phá - Breakthrough Agenda với Quy hoạch tổng thể 25 hành động hợp tác nhằm thúc đẩy tiến độ giảm phát thải carbon trong 5 lĩnh vực phát thải nhiều nhất (năng lượng, giao thông đường bộ, sản xuất thép, hydrogen và nông nghiệp); (ii) các khoản tài chính cho giảm phát thải, gồm các cam kết/thỏa thuận tài trợ bên lề hội nghị và một sáng kiến ban đầu về Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại”.


Đối với Kế hoạch đột phá, đối tượng tham gia là một nhóm các quốc gia đại diện cho hơn 50% GDP toàn cầu. Các hành động trong mỗi bước đột phá sẽ được thực hiện thông qua liên minh của các quốc gia cam kết này (như G7, Ủy ban châu Âu, Ấn Độ, Ai Cập, Ma-rốc...). Nguồn tài chính để thực hiện kế hoạch đột phá sẽ được củng cố bằng các nguồn tài chính từ khu vực tư nhân.


Các hành động ưu tiên của kế hoạch đột phá bao gồm:

- Phát triển các định nghĩa chung cho thép phát thải thấp, hydrogen và pin bền vững để định hướng dòng tiền đầu tư một cách uy tín và minh bạch;

- Đẩy mạnh triển khai các dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu bao gồm ít nhất 50 nhà máy công nghiệp quy mô lớn không phát thải ròng, ít nhất 100 thung lũng hydrogen và một gói các dự án cơ sở hạ tầng lưới điện xuyên biên giới lớn;

- Đặt ra một ngày mục tiêu chung để loại bỏ dần ô tô và phương tiện gây ô nhiễm, phù hợp với Thỏa thuận Paris;

- Tăng cường một cách có hệ thống hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển và thị trường mới nổi để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của các nước này;

- Thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và trình diễn nông nghiệp (RD&D) để tạo ra các giải pháp giải quyết các thách thức về mất an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.


Về các khoản tài chính, Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” nhằm hỗ trợ cho các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đã được các quốc gia phát triển cam kết thành lập và được coi là một thành tựu lớn của COP27. Một số quốc gia khác cũng đã công bố khoản tài trợ mới để hỗ trợ Qũy “Tổn thất và Thiệt hại”, bao gồm New Zealand (20 triệu USD) và Áo (50 triệu EUR). Chi tiết Quỹ này sẽ được hoàn thiện tại COP28 - dự kiến sẽ được tổ chức tại Dubai (UAE) từ ngày 30/11 đến 12/12/2023. Bên cạnh đó, World Bank, G7 và V20 cũng đã thành lập một quỹ riêng cho các thảm họa thời tiết - Global Shield (tạm dịch Lá chắn toàn cầu), trong đó Đức và Đan Mạch cam kết đóng góp hơn 170 triệu euro vào quỹ.


Trong thời gian tới, những vấn đề cần giải quyết đối với các quỹ hỗ trợ này bao gồm: (i) Cam kết, thực thi và lộ trình đóng góp của mỗi “nhà tài trợ” vào quỹ, (ii) Phương thức và tiêu chí phân bổ quỹ, thứ tự ưu tiên lựa chọn quốc gia/dự án hỗ trợ; (iii) Cam kết từ các quốc gia nhận hỗ trợ.


Về phía Việt Nam, sau COP26 với cam kết quyết liệt về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đã có những hành động thiết thực nhằm hiện thực hóa cam kết này. Theo đó, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cam kết COP 26, phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và nâng cam kết lên cao hơn để phù hợp với lộ trình đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050 trong NDC 2022.


Tại COP27, Việt Nam cũng đã có những thảo luận quan trọng với nhiều đối tác, như với Ngân hàng Trung ương Singapore về việc thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam với sự hỗ trợ từ phía Singapore; với Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry liên quan đến chuyển đổi năng lượng công bằng, tận dụng các cơ hội đặc biệt về tài chính ưu đãi, chuyển giao công nghệ, huy động các nhà đầu tư có năng lực. Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) với Bộ Tài nguyên và Môi trường.


Đây đều là những bước tiến thiết thực trong quá trình kêu gọi sự chung tay góp sức của các nhà tài trợ quốc tế vào lộ trình khử carbon tại Việt Nam./.




47 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page