Nguyễn Xuân Hải - Nguyễn Tùng Anh - Trịnh Thị Thảo
Hathway Policy
Tháng 9 vừa qua, cơn bão số 3 đã quét qua Việt Nam với một cường độ chưa từng thấy trong vòng 70 năm trở lại đây, để lại thiệt hại nặng nề về cả người và của cho 26 tỉnh thành phía Bắc. Trong nỗ lực khắc phục hậu quả và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau bão, câu hỏi được nhiều người quan tâm trên khía cạnh kinh tế vĩ mô là tác động của hiện tượng thiên tai này lên GDP như thế nào?
Bài viết sau đây sử dụng lý thuyết cơ bản về hàm sản xuất (tổng cung) và tổng lượng hàng hóa và dịch vụ (tổng cầu) để phân tích nhanh cơ chế tác động của bão.
Giả thuyết cơ bản
Để phục vụ mục đích phân tích nhanh, một số giả thuyết cơ bản được đặt ra như sau:
(1) Ảnh hưởng của bão số 3 có tính cục bộ địa bàn, chỉ ảnh hưởng đến miền Bắc của Việt Nam.
(2) Sự vận hành của nền kinh tế khu vực phía Bắc và phía Nam là (tương đối) độc lập. Trong bối cảnh của Việt Nam, đây là một giả thuyết hợp lý khi sự giao thoa theo chuỗi cung ứng, thương mại và sản xuất giữa các địa phương, đặc biệt là ở hai vùng Nam – Bắc còn chưa thật sự tốt.
(3) Bão là một cú sốc nhất thời, không tồn tại lâu và không lặp lại trong thời gian tới.
(4) Phân tích này bỏ qua các khía cạnh phi kinh tế như tâm lý xã hội, con người và chỉ tập trung vào các quyết định kinh tế.
Biến động tổng cung
Xem xét hàm sản xuất Y= F(A, K, L); trong đó, Y là sản lượng hàng hóa và dịch vụ sản xuất ra (GDP); A là công nghệ; K là vốn; L là lao động. Về dài hạn, GDP phụ thuộc vào khả năng sản xuất của nền kinh tế, được xác định bởi các yếu tố đầu vào như biểu diễn trong hàm sản xuất.
Khi bão tấn công, vốn (K) giảm đáng kể với những thiệt hại lên tài sản công như cầu đường, trạm xá, cây cối; thiệt hại tài sản tư của doanh nghiệp và người dân như nhà cửa, nhà xưởng, vật tư thiết bị và các phương tiện sản xuất khác. Trong khi đó, lao động (L) cũng giảm trực tiếp do tác động của bão. Cung lao động giảm do có ít người làm việc hơn. Cầu lao động cũng giảm do bão tấn công gây ra những thiệt hại về cơ sở vật chất đi kèm với việc gián đoạn sản xuất. Số việc làm giảm và thu nhập của người lao động giảm.
Như vậy, bão có tác động tiêu cực trực tiếp lên các yếu tố đầu vào của sản xuất. Ước tính thiệt hại 81.503 tỷ đồng, 344 người chết, mất tích, 1.976 người bị thương [1], số lượng lao động – việc làm bị ảnh hưởng chưa có thống kê cụ thể… sẽ là những tổn thất ảnh hưởng đến khả năng sản suất của nền kinh tế trong thời gian tới.
Lưu ý rằng khi nhìn từ góc độ tổng cung, các phán đoán sẽ không trực tiếp phản ánh những biến động ngắn hạn, mà áp dụng chủ yếu cho xu thế trung và dài hạn. Nói cách khác, tác động của bão nhìn từ phía tổng cung sẽ khiến xu thế GDP trong thời gian tới rơi xuống thấp hơn so với xu thế tiềm năng GDP hình thành trước bão. Đây là câu chuyện khá giống với ảnh hưởng của COVID như thể hiện trong hình dưới đây (Hình 1).
Hình 1: COVID khiến GDP rơi khỏi xu thế tăng trưởng dài hạn
(Nguồn: BC KTVM của HWP)
Biến động tổng cầu
Xem xét công thức Y = C + I + G + NX; trong đó C là chi tiêu cá nhân, I là đầu tư, G là chi tiêu chính phủ và NX là xuất khẩu ròng.
Thứ nhất, chi tiêu cá nhân (C) là cấu phần giảm mạnh và trực tiếp nhất. Dưới ảnh hưởng của bão, tài sản, thu nhập, việc làm của những người trong vùng ảnh hưởng sẽ giảm, dẫn đến chi tiêu sau bão sẽ giảm. Người ngoài vùng bão hoặc không bị ảnh hưởng bởi bão sẽ có những phần quyên góp, hỗ trợ, nhưng cơ bản trên cơ sở giảm chi tiêu hoặc đầu tư dự kiến. Tính tổng chung, C sẽ giảm.
Thứ hai, đầu tư (I) có thể tăng nhẹ. Như giả thiết đặt ra, bão sẽ gây thiệt hại nhiều lên tài sản lớn như nhà ở, hạ tầng cơ sở và phương tiện sản xuất. Trước tình trạng này, doanh nghiệp cũng như người dân sẽ phải tập trung khắc phục thiệt hại, tăng đầu tư nhất thời để có thể quay lại cuộc sống bình thường cũng như phục hồi kinh doanh sản xuất. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư trong vùng chịu ảnh hưởng sẽ chủ yếu đến từ việc điều phối nguồn lực đã có kế hoạch từ trước, chỉ bổ sung thêm trong những trường hợp thật sự cần thiết và chưa vội vàng đầu tư mở rộng kinh doanh sản xuất. Từ đó, I có thể chỉ tăng nhẹ.
Thứ ba, xuất khẩu ròng (NX) có khả năng tăng nhẹ. Xuất khẩu phụ thuộc vào nhu cầu mua của nước ngoài và sẽ không có biến động. Nhập khẩu thể hiện nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước sẽ suy giảm trong vùng có bão. Như vậy, xuất khẩu ròng nhìn chung sẽ tăng. (Đây cũng là câu chuyện tương tự xảy ra trong thời kỳ COVID, khi xuất khẩu ròng tăng kỷ lục chủ yếu do nhu cầu trong nước và nhập khẩu giảm sâu.)
Cuối cùng, chi tiêu chính phủ (G) tăng. Sau bão, Chính phủ đã triển khai những biện pháp để khắc phục hậu quả sau bão và ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Đây là những chính sách không được dự tính trước và phát sinh theo thực tế.
Như vậy, G sẽ là yếu tố tiên quyết quyết định hướng tăng hoặc giảm của GDP. Các yếu tố I và NX chỉ tăng nhẹ, so với mức giảm đáng kể của C. Nếu G tăng nhiều, có nghĩa là Chính phủ triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ để khôi phục nhanh tài sản công và giúp người dân và doanh nghiệp có đủ vốn và tài sản để mau chóng quay trở lại sản xuất, GDP sau bão sẽ tăng. Và ngược lại, trong trường hợp G tăng không đủ, GDP sẽ giảm.
Cân bằng ngắn và dài hạn
Như vậy, những phân tích nhanh theo hai hướng tổng cung và tổng cầu ở trên cho thấy cơ chế ảnh hưởng của bão tới nền kinh tế. Trong ngắn hạn, GDP tăng hoặc giảm chủ yếu phụ thuộc vào các phản ứng nhất thời của Chính phủ trước ảnh hưởng của bão. Cấu phần tiêu dùng sẽ giảm sâu trong khi đầu tư và xuất khẩu ròng sẽ có khả năng tăng nhẹ. Trong trung và dài hạn, GDP nhiều khả năng rơi khỏi xu thế tăng trưởng dài hạn hình thành trước bão. Nếu không có những đột phá trong đầu tư (công và tư), việc GDP quay lại được xu thế dài hạn sẽ là điều khó khăn.
Chính phủ sẽ có phương án như thế nào?
./.
[1] Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 28/9.
Comments