Trong thời gian vừa qua, Hathaway Policy đã và đang theo dõi sát sao các diễn biến kinh tế vĩ mô của thế giới và của Việt Nam. Từ cuối năm 2022, khi tăng trưởng Quý 3/2022 của Việt Nam đang tăng trưởng ở mức trên 8% (cao nhất từ trước tới nay), Hathaway Policy đã công bố báo cáo kinh tế vĩ mô riêng với những cảnh báo thận trọng về diễn biến khó lường trong năm 2023. Quả thật, những điểm yếu căn bản trong nền kinh tế và những “cơn gió ngược” về xung đột chính trị, lạm phát tăng cao, lãi suất tăng cao, tâm lý tiêu dùng bất ổn định, v.v… đã và đang khiến kinh tế Việt Nam giảm đà tăng trưởng một cách đáng kể, có những lúc xuống mức thấp nhất so với nhiều thập kỷ trở lại đây.
Trong sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Nhà nước nhằm khai thông các nguồn lực, kích thích tăng trưởng kinh tế, các số liệu kinh tế vĩ mô tháng 11 năm 2023 cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc trở lại, nhưng những triển vọng này, theo nhận định của Hathaway Policy, vẫn còn kém chắc chắn.
Thứ nhất, chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng đầu năm tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (1,0%), nhưng thấp hơn hẳn so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2022 (8,4%), đồng thời trong bối cảnh chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 sụt giảm. Trong 11 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành khai khoáng tiếp đục đà giảm, ở mức 2,8% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chỉ tăng ở mức 1,1% --- mức tăng cao hơn 10 tháng đầu năm (0,5%), nhưng thấp hơn hẳn mức tăng cùng kỳ của năm 2022 (8,7%). Trong bối cảnh đó, chỉ số Quản trị mua hàng – thể hiện góc nhìn của các nhà quản lý doanh nghiệp về tình hình kinh doanh những tháng tiếp theo – rơi xuống dưới ngưỡng “mở rộng” (ngưỡng 50 điểm), ở mức 47,3 điểm [1] cho tháng 11, thấp hơn khá nhiều so với mức 49,6% của tháng 10. Như vậy, đà tăng trưởng của tổng cung liệu có thể tiếp tục duy trì trong những tháng tiếp theo chưa thật sự chắc chắn.
Thứ hai, xuất – nhập khẩu hàng hoá có xu thế đảo chiều so với những tháng gần đây và ngược hẳn với kỳ vọng. Tính riêng tháng 11/2023, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng 11/2022, nhờ có sự gia tăng giá trị xuất khẩu vào một số thị trường đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, so với tháng liền trước, tháng 11/2023 kim ngạch xuất khẩu lại giảm 3,6% -- một dấu hiệu đáng lo ngại khi hầu hết các thị trường quốc tế đều đang sẵn sàng cho mùa mua sắm cuối năm.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2023 đạt 29,8 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và 5,1% so với tháng 11/2022.
Như vậy, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu cho tháng 11 và cho 11 tháng năm 2023 đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn chung, diễn biến xuất - nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2023 có nhiều dấu hiệu đáng lo hơn đáng mừng. Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu có xu hướng giảm, nhưng giảm chậm hơn so với nhập khẩu, nên xuất khẩu ròng tăng lên so với cùng kỳ năm trước (xuất siêu), đóng góp đáng kể cho chỉ số tăng trưởng GDP. Trong bối cảnh một phần lớn hàng hoá nhập khẩu là để phục vụ sản xuất xuất khẩu, diễn biến đầu năm có thể được lý giải như sau: các đơn hàng quốc tế hiện tại sụt giảm, dẫn đến xuất khẩu sụt giảm; tuy nhiên, các đơn hàng cho tương lai (3-6 tháng tiếp theo) giảm còn mạnh hơn, nên doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất và giảm mạnh nhập khẩu.
Như vậy, cuối năm 2023 và nửa đầu 2024 Việt Nam sẽ đối mặt với một trong 02 kịch bản khó khăn. Một là, nếu nhu cầu tiêu dùng thế giới tăng lên, kim ngạch nhập khẩu sẽ tăng vọt để phục vụ sản xuất. Hai là, nếu nhu cầu tiêu dùng của thế giới chững lại, xuất khẩu của Việt Nam cũng chững lại. Cả hai kịch bản này đều không chỉ dẫn đến số liệu về xuất khẩu ròng sụt giảm và tạo áp lực lên chỉ số tăng trưởng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp lên các hoạt động kinh tế thực tế của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến chế tạo trên toàn quốc. Theo số liệu của tháng 11/2023, kịch bản thứ hai có thể đang diễn ra.
Tín hiệu kém chắc chắn thứ ba cho nền kinh tế là số liệu về tình hình đầu tư thực hiện 11 tháng đầu năm 2023. Một, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước được giải ngân trong tháng 11/2023 đã tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2022; nhưng tính chung 11 tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư được giải ngân hiện tương đương 75% kế hoạch năm. Mặc dù nỗ lực của các cấp từ Trung ương đến địa phương trong việc cải thiện tốc độ giải ngân là đáng ghi nhận, khả năng có thể thực hiện được 100% kế hoạch năm là khó khăn. Hai, các chỉ số về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam tuy thể hiện rất tốt, nhưng hệ quả của việc Thuế tối thiểu toàn cầu chuẩn bị được áp dụng vào 01/2024 ở hầu hết các đối tác của Việt Nam lại chưa được hiểu rõ. Trong 11 tháng đầu năm 2023 (đến 20/11), vốn FDI đăng ký đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2022 và lớn nhất kể từ khi Đại dịch COVID-19 bắt đầu năm 2020; vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.
Thế nhưng, việc thu hút FDI ở Việt Nam đang dựa rất nhiều vào các ưu đãi về thuế (trung bình khoảng 8-10%, với nhiều doanh nghiệp hưởng mức rất thấp). Khi thuế tối thiểu toàn cầu ở mức 15% được áp dụng từ 01/2024, những ưu đãi này sẽ mất giá trị. Ngoài lao động giá rẻ, Việt Nam đến nay chưa bộc lộ rõ được ưu thế gì khác để thu hút và giữ chân FDI trong thời gian tới.
Nói tóm lại, các chỉ số kinh tế vĩ mô tổng quát cho thấy nền kinh tế quốc dân đang ở ranh giới giữa chững lại và phục hồi. Trong bối cảnh khó khăn thách thức đa chiều, bao gồm cả những lý do khách quan trên phạm vi toàn cầu như xung đột địa chính trị, lạm phát tăng cao, lãi suất cao, nhu cầu tiêu dùng giảm,… và những lý do chủ quan như khả năng giải ngân vốn đầu tư công, năng lực sản xuất, cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và tay nghề, trình độ của người lao động trong nước,…, Việt Nam cần có những đột phá hơn nữa để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng cho những tháng cuối năm và cho năm 2024. Việc tiếp tục theo dõi sát những diễn biến kinh tế tiếp theo là cần thiết để có những nhận định chính xác và kịp thời hơn./.
Ghi chú:
Số liệu được sử dụng trong bài viết này chủ yếu được lấy từ Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023 của Tổng cục Thống kê, https://www.gso.gov.vn/bai-top/2023/11/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thang-11-va-11-thang-nam-2023/
Comments