Sự sụp đổ của ngân hàng và những vần điệu lịch sử
Sự sụp đổ gần đây của ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Credit Suisse được giới quan sát đánh giá rằng không phải là những trường hợp có tính hệ thống và liên đới như sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất cao kéo dài như hiện nay, đây lại có thể là những tín hiệu mở đầu cho chuỗi ngày khó khăn của hệ thống ngân hàng ở tất cả các quốc gia.
Bài báo “Sự sụp đổ của ngân hàng và những vần điệu lịch sử” của 02 tác giả Nguyễn Xuân Hải và Bùi Mỹ Linh đăng trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13 ngày 27/03/2023 phân tích tổng quan sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank và Credit Suisse, trong đó làm rõ mối liên hệ giữa 02 ngân hàng với cơ chế vận hành và sự rủi ro hoạt động ngân hàng. Bài viết cũng phân tích bối cảnh lãi suất kéo dài hiện nay để cảnh báo rủi ro kịch bản khủng hoảng ngân hàng tương tự như Khủng hoảng tín dụng (S&L Crisis) tại Mỹ giai đoạn 1980-90s.
Khi Silicon Valley Bank và Credit Suisse dừng hoạt động trong những ngày qua, người ta thường nghĩ tới sự sụp đổ của Lehman Brothers tuyên bố phá sản vào ngày 15/9/2008, chính thức khai mào cho cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 lớn nhất trong lịch sử kể từ Đại khủng hoảng 1929-1933. Thế nhưng, đặt trong bối cảnh hiện nay, Silicon Valley Bank và Credit Suisse mang trong mình một câu chuyện khác.
Silicon Valley Bank là một trường hợp đặc thù của rủi ro thanh khoản với mức tiếp nhận từ doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo – các khách hàng trung thành của SVB –một lượng đầu tư tiền mặt khổng lồ. Tuy nhiên, với 97% mức tiền gửi nằm ngoài mức được bảo hiểm thì khi ¼ lượng tiền gửi của khách hàng - bị rút ra khỏi SVB, thì việc ngân hàng này rơi vào tình trạng mất thanh khoản và buộc phải tuyên bố phá sản là điều có thể hiểu được.
Khác Silicon Valley Bank hoạt động với mô hình ngân hàng truyền thống, Credit Suisse là một định chế tài chính phức tạp với nhiều sản phẩm tương tự như Lehman Brothers. Thế nhưng, các quyết định sai lầm liên tục trong hoạt động kinh doanh của mình kể từ 2010 tới nay, rủi ro tín dụng tại ngân hàng được hiện thực hoá trong sự bất lực của những người điều hành và bị một ngân hàng tốt hơn, chất lượng hơn thâu tóm thì sự sụp đổ của Credit Suisse là một sự sụp đổ có thể nhìn thấy trước được.
Khi lãi suất ngắn hạn tăng, chi phí huy động vốn của các định chế tài chính sẽ tăng theo, biên độ lợi nhuận ngân hàng thu hẹp và tài sản của các định chế tài chính gặp nhiều sức ép cùng thời điểm. Có thể thấy bối cảnh hiện nay khá tương đồng với cuộc Khủng hoảng tín dụng (S&L Crisis) kéo dài hết những năm 1980 đến nửa đầu 1990s. Thời đại đã thay đổi và chúng ta có thể tin tưởng rằng một cuộc khủng hoảng mới tương tự như Khủng hoảng tín dụng những năm 1980 sẽ không tái hiện. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ phải rất cẩn trọng trước những vần điệu lặp lại trong bản chất của nó./.
-----
https://vneconomy.vn/su-sup-do-cua-ngan-hang-va-nhung-van-dieu-lich-su.htm