Đề xuất sửa Luật Việc làm có siết lợi ích người lao động?
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đề xuất người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ trường hợp đặc biệt.

Bài viết “Đề xuất sửa Luật Việc làm có siết lợi ích người lao động?” của 02 tác giả Lê Quỳnh Trang và Nguyễn Thanh Thảo đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 01/8/2024 đã đứng trên góc nhìn đa chiều để phân tích và chỉ ra ưu điểm cũng như hạn chế trong đề xuất điều chỉnh đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Trên cơ sở đó, các tác giả đưa ra 03 kiến nghị nhằm giúp chính sách BHTN đạt được tính linh hoạt và vẫn đảm bảo được độ bao phủ.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ một vài trường hợp đặc biệt.
Điều chỉnh này xuất phát từ lập luận cho rằng “chủ động nghỉ việc” là quyết định có cân nhắc, không được xem là rủi ro mất việc, nên không được bao phủ bởi BHTN. Đồng thời, việc thu hẹp đối tượng sẽ góp phần hạn chế nguy cơ người lao động đơn phương nghỉ việc thiếu thận trọng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, và bảo vệ sự bền vững của quỹ BHTN.
Đứng trên góc nhìn khác, nếu người lao động được BHTN bảo vệ khi đưa ra các quyết định nghỉ việc do các nguyên nhân như điều kiện công việc chưa thỏa đáng, kỳ vọng giúp mở ra cơ hội hoặc mong muốn được học tập nâng cao tay nghề và tìm kiếm việc làm tốt hơn trong tương lai, thì đây lại là chức năng khuyến khích phân bổ việc làm hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động - việc làm – mục tiêu cao hơn mà chính sách BHTN luôn hướng đến. Và khi đứng trên góc độ này, việc thu hẹp đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp, đã phần nào kìm hãm tính ưu việt của BHTN.
Để khắc phục được mâu thuẫn nêu trên, chính sách BHTN sửa đổi có thể được thiết kế theo hướng:
Một là, không thu hẹp độ bao phủ của trợ cấp thất nghiệp, mà thay vào đó cần phân nhóm đối tượng để có các công cụ chính sách phù hợp.
Hai là, tiêu chí phân nhóm đối tượng người lao động được hưởng chế độ của BHTN có thể căn cứ vào lý do thất nghiệp: bị buộc thôi việc hay tự nguyện nghỉ việc.
Ba là, thiết kế công cụ chính sách phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau; cụ thể như khác biệt về tỷ lệ chi trả trợ cấp thất nghiệp; thiết kế thêm một số “rào cản” về thủ tục hành chính như kéo dài thời gian chờ phê duyệt hồ sơ; tăng số lần trình diện tại Trung tâm dịch vụ việc làm công lập; giảm số lần được phép từ chối việc làm được giới thiệu; v.v../.
Tiếp nối bài viết, Báo Tuổi trẻ đã nhận được nhiều quan tâm, đóng góp từ phía độc giả, chuyên gia của Hathaway Policy cũng đã tiếp tục có những trả lời, giải đáp cho các thắc mắc xung quanh nội dung về bảo hiểm thất nghiệp trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
-------------------------
Xem thêm:
Bài viết chi tiết: https://tuoitre.vn/de-xuat-sua-luat-viec-lam-co-siet-loi-ich-nguoi-lao-dong-20240801143228839.htm
Nội dung trao đổi: https://tuoitre.vn/du-thao-luat-viec-lam-sua-doi-viec-huong-tro-cap-that-nghiep-se-kho-khan-hon-20240805080856213.htm