top of page

Thách thức trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Thông qua phân tích những điểm tích cực cũng như một số mặt trái của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bài viết khẳng định: đây là một chính sách tốt, đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia và phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thị trường lao động hiện đại. Do vậy, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam đã, đang và nên tiếp tục được duy trì và quan tâm sát sao ở Việt Nam.

Thách thức trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Bài viết “Thách thức trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp” được Thời báo Kinh tế Sài Gòn đăng dưới bút danh Hữu Đạo – bút danh chung của Hathaway Policy – ngày 04/12/2020, trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 có tác động đặc biệt nghiêm trọng tới người lao động Việt Nam.


Do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng người lao động nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2020 của Việt Nam hàng tháng tăng 1,5 – 2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Để giảm thiểu thời gian chờ đợi của người lao động, các trung tâm dịch vụ việc làm đã nỗ lực xử lý hồ sơ một cách nhanh chóng, cùng với đó là các hoạt động tư vấn việc làm, tư vấn học nghề, v.v. trong khuôn khổ của bảo hiểm thất nghiệp. Điều này đã khẳng định vai trò quan trọng của chính sách bảo hiểm thất nghiệp như là một xu thế phát triển tất yếu của thị trường lao động hiện đại.


Đứng trên góc độ kinh tế, bảo hiểm thất nghiệp trước tiên là một cơ chế bảo hiểm an sinh cho người lao động khi gặp rủi ro về việc làm, là giá đỡ an toàn để thị trường lao động duy trì hoạt động ở mức tối ưu, đặc biệt trong khủng hoảng hay trước những sự cố bất ngờ. Đồng thời, bảo hiểm thất nghiệp cũng hoạt động như một cơ chế hấp thụ sốc tự động trong suy thoái kinh tế, cho phép người lao động giữ đượcmức tiêu dùng gần tương đương với trước khi bị thất nghiệp, giúp duy trì tổng cầu và khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, hỗ trợ cắt đứt vòng xoáy của suy thoái. Không chỉ thế, các yêu cầu nhất định về thời gian làm việc hay mức đóng góp tối thiểu của bảo hiểm thất nghiệp cũng khuyến khích người lao động ưu tiên lựa chọn các công việc có tính ổn định và bền vững cao, gián tiếp giúpnâng cao chất lượng việc làm.


Bên cạnh những tác động tích cực kể trên, bài viết cũng lưu ý rằng, bản chất của bảo hiểm thất nghiệp là một biện pháp giải quyết thu nhập tạm thời, nên nếu sử dụng hợp lý sẽ tạo điều kiện để người lao động có thời gian lựa chọn công việc phù hợp với năng lực, nguyện vọng và nhu cầu, tạo ra cơ chế phân bổ lại việc làm hiệu quả, kích thích sự phát triển của việc làm bền vững. Ngược lại, lạm dụng các biện pháp này có thể dẫn đến nguy cơ người lao động chủ động kéo dài thời gian thất nghiệp. Để giảm thiểu các hệ quả kém tích cực, mức độ và thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp cần được thiết kế một cách khoa học, bài bản, kết hợp đồng bộ với các giải pháp đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, gia tăng kết nối cung cầu lao động.


Đối với trường hợp của Việt Nam, nhóm nghiên cứu nhận định các quy định về trợ cấp thất nghiệp hiện hành tương đối hoàn chỉnh. Việt Nam cũng đã “địa phương hóa” rất tốt hệ thống bảo hiểm thất nghiệp thông qua Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và hệ thống cácTrung tâm dịch vụ việc làm ở tất cả 63 tỉnh thành.


Tuy nhiên, hệ thống bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam vẫn còn những điểm yếu cần được quan tâm hơn, cụ thể: i) độ bao phủ của chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hẹp, mới tập trung ở khu vực lao động chính thức; ii) hiệu quả trong khai thác và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp về thông tin việc làm, đào tạo nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm còn chưa tương xứng với tiềm năng.


Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất cần đảm bảo tốt hơn sự phối hợp đồng bộ giữa các khâu và các cơ quan có liên quan, nhằm phát huy các tác động tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực có thể có của chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến nền kinh tế./.


------------------------------

Xem thêm về bài viết tại: https://thesaigontimes.vn/thach-thuc-trong-chinh-sach-bao-hiem-that-nghiep/

bottom of page