Chính sách của Nhà nước cũng phải ‘thích nghi’
Đại dịch Covid-19 đã buộc doanh nghiệp và người lao động phải tự điều chỉnh để tồn tại và phát triển. Để những nỗ lực đó đạt được thành công không thể thiếu vai trò trợ giúp của Nhà nước. Bài viết đề xuất, chính sách cần “thích nghi” theo hướng xây dựng giải pháp phù hợp với người lao động theo 3 nhóm đối tượng khác nhau.
Bài viết “Chính sách của Nhà nước cũng phải ‘thích nghi’” được chuẩn bị bởi Hathaway Policy dưới bút danh Hữu Đạo được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 18/9/2020. Thông qua việc khái quát những tác động ngày càng nghiêm trọng của Đạidịch Covid-19 lên nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng tính từ đầu năm 2020, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các giải pháp hỗ trợ theo hướng bù đắp thu nhập bị sụt giảm mà Nhà nước đang áp dụng theo Nghị quyết 42/NQ-CP là chưa đầy đủ. Để biến nguy cơ thành cơ hội, Nhà nước cần kịp thời cập nhật quan điểm điều hành theo hướng thiết kế và thực thi những chính sách vừa hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa giúp họ nhanh chóng thích nghi với trạng thái kinh tế trong và sau dịch để tồn tại và phát triển.
Để giải quyết bài toán đã nêu ra, nhóm nghiên cứu chia doanh nghiệp và người lao động thành ba nhóm đối tượng chính, căn cứ vào khả năng điều chỉnh cách thức và điều kiện sản xuất, từ đó các định hướng giải pháp phù hợp có thể được đề xuất, bao gồm:
Một là, nhóm lao động làm việc trong các ngành sản xuất “truyền thống”, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch do phải ngừng sản xuất nhưng có thể phục hồi sau dịch. Các chính sách có thể áp dụng là các hình thức hỗ trợ tài chính và phi tài chính nhằm (i) trợ giúp doanh nghiệp và người lao động tiếp tục tồn tại trong trạng thái ngừng hoặc thu hẹp sản xuất và (ii) khuyến khích đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động.
Hai là, nhóm lao động trong các ngành nghề có tính linh hoạt và khả năng thích ứng với những khó khăn trong dịch bệnh do ứng dụng công nghệ hiện đại và nền tảng số. Đây là những ngành nghề mà bản chất đã hướng tới việc giảm tiếp xúc trực tiếp giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng, nên Chính phủ chỉ cần đưa ra các giải pháp khuyến khích, tạo lập môi trường, hoàn thiện pháp lý và hạ tầng giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Ba là, nhóm lao động mới tham gia thị trường hoặc nằm trong những ngành nghề khó phục hồi cho dù dịch bệnh hoàn toàn bị khống chế. Giải pháp phù hợp nhất cho nhóm đối tượng này là khuyến khích tạo việc làm mới gắn với chương trình khởi nghiệp của Chính phủ, không giới hạn đối tượng theo độ tuổi hay trình độ đào tạo với những biện pháp như: (i) hỗ trợ tài chính, tư vấn về pháp lý và chuyên môn; (ii) ưu đãi về thuế và thủ tục hành chính; (iii) mở rộng phạm vi đối tượng có thể nhận hỗ trợ; và (iv) tạo môi trường thông tin minh bạch, tăng tính kết nối./.
------------------------------
Xem thêm về bài viết tại: https://thesaigontimes.vn/chinh-sach-cua-nha-nuoc-cung-phai-thich-nghi/