top of page

Kinh tế Việt Nam năm 2023: Một năm vượt khó - Thách thức vẫn còn

Những điểm yếu căn bản trong nền kinh tế đã khiến tăng trưởng kinh tế vĩ mô Việt Nam gặp diễn biến khó lường. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, Việt Nam đã có một năm vượt khó xuất sắc. Tất nhiên, nhiều thách thức lớn vẫn còn tồn tại và cần sớm được giải quyết khi bước sang năm 2024.

Kinh tế Việt Nam năm 2023: Một năm vượt khó - Thách thức vẫn còn

Bài viết “Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2023: Một năm vượt khó – Thách thức vẫn còn” của 02 tác giả Nguyễn Xuân Hải và Lê Quỳnh Trang đăng trên báo Nhân Dân điện tử ngày 01/01/2024 đã phân tích các chỉ số kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2023. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả phân tích 5 thách thức đặc thù nhằm đạt được triển vọng kinh tế trong năm 2024.


Nhìn lại các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2023, giới quan sát có thể nhận ra một xu thế chung là hầu hết các chỉ số đều có biểu hiện “tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước”. Điều này chủ yếu đến từ diễn biến sụt giảm khá mạnh ở những tháng đầu năm và sự phục hồi về cuối năm. So sánh chung cả năm, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều có vẻ như thể hiện một năm đầy nỗ lực duy trì vượt khó.


Thứ nhất, nhìn từ phía tổng cung của nền kinh tế, năm 2023 vẫn có sự tăng trưởng nhưng ở mức độ yếu và khá thiếu chắc chắn khi chuyển tiếp sang năm 2024. Giá trị tăng thêm của hai ngành chủ lực của nền kinh tế là dịch vụ và công nghiệp và xây dựng đều ở mức không cao trong năm 2023. Chỉ số Quản trị mua hàng phản ánh góc nhìn có phần bi quan về tình hìnhsản xuất kinh doanh trong thời gian tới; trong khi đó khoảng 1/3 doanh nghiệp cho rằng đơn hàng sẽ bị giảm sút và cắt giảm khối lượng sản xuất trong những tháng đầu năm 2024.


Thứ hai, góc nhìn tổng cầu cũng đưa lại những nhận định tương tự.

Tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khá khiêm tốn so với xu thế dài hạn.


Năm 2023, Việt Nam xuất siêu ở mức cao kỷ lục trong lịch sử, cao gấp 2,3 lần mức năm 2022. Mức kỷ lục này đến từ việc sụt giảm hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam khi xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đều giảm so với cùng kỳ năm trước; nhưng mức giảm của xuất khẩu ít hơn nhập khẩu.


Hoạt động đầu tư đưa đến nhiều kỳ vọng tích cực nhất. Tính chung cả năm 2023, vốn đầu tư và vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng đáng kể so với 2022. Đây rõ ràng là sự nỗ lực lớn của Chính phủ và doanh nghiệp, đặc biệt là về những tháng cuối năm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (FDI) tăng 3,5% so với năm 2022, cao hơn tính toán các tác giả đưa ra hồi tháng 10/2023 .


Bước sang thềm 2024, kinh tế Việt Nam đứng trước 5 thách thức đặc thù cần được giải quyết.


Thứ nhất, thuế tối thiểu toàn cầu ở mức 15% sẽ được áp dụng từ 01/01/2024 ở hầu hết các nước trên thế giới, bao gồm tất cả các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Điều này được đánh giá sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới FDI tại Việt Nam khi vô hiệu hoá hầu hết các ưu đãi thuế hiện hành. Để duy trì khả năng cạnh tranh thu hút FDI, Việt Nam cần nghiên cứu và đưa ra chính sách phù hợp vào thời điểm phù hợp, không chỉ cho năm 2024 mà cả giai đoạn tiếp theo.


Thứ hai, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBMA) và các loại thuế môi trường liên quan được áp dụng ở châu Âu và nhiều nước đối tác thương mại khác của Việt Nam. Như vậy, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ cần đảm bảo yêu cầu về cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất để không chịu thêm thuế. Trong thời gian tới, tốc độ triển khai xây dựng thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam cần được đẩy nhanh hơn nữa để không bị tụt hậu với đối tác và đối thủ cạnh tranh.


Thứ ba là vấn đề nguồn cung năng lượng tại Việt Nam. Nguồn cung năng lượng bị ảnh hưởng bởi sự cạn kiệt nguồn cung trong nước cũng như ảnh hưởng của chiến tranh lên nguồn năng lượng nhập khẩu. Thiếu điện là một trong những yếu tố lớn khiến việc sản xuất kinh doanh, cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của Việt Nam, đã thể hiện không tích cực trong hai quý đầu năm 2023. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về đưa mức phát thải ròng về “0” và tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Dựa trên tình hình thực tế và mục tiêu dài hạn, Việt Nam cần có những chiến lược, chính sách, kế hoạch cụ thể để vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng, vừa từng bước chuyển đổi sang năng lượng sạch, bền vững.


Thứ tư, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều biến động trong năm 2024 khi Quỹ dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu giảm lãi suất cơ bản để kích cầu kinh tế nội địa. Như vậy, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, du lịch, đầu tư trên thế giới sẽ được kích thích tăng trưởng trở lại. Khi đó, diễn biến giá cả ở Việt Nam sẽ trở nên khó lường vì tiền trong ngân hàng sẽ nhiều khả năng chảy vào nền kinh tế một cách ồ ạt.


Cuối cùng, tuy đã có sự nỗ lực vượt bậc trong thực hiện đầu tư công của Chính phủ và các cấp chính quyền, các rào cản liên quan tới luật định, quy định vẫn chưa có thay đổi căn bản. Việc duy trì mức tăng trưởng như năm 2023 trong năm 2024 với các công trình hạ tầng trọng điểm sẽ là thách thức tiếp tục hiện hữu.


Từ những phân tích trên, nhóm tác giả kết luận năm 2023 là một năm nỗ lực vượt khó của cả nền kinh tế. Theo đó, năm 2024 là năm nhiều thách thức, nhưng cũng sẽ là năm nhiều cơ hội cho sự bứt phá và chuyển đổi căn bản của nền kinh tế Việt Nam theo hướng linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, hội nhập và bền vững. Để đạt được điều đó, có lẽ Chính phủ, các bộ, ban ngành, các cấp chính quyền địa phương sẽ cần phải duy trì được tinh thần quyết tâm như những tháng cuối năm 2023 và bắt tay hành động ngay từ những ngày đầu của năm 2024./.


-----------------------------------

Xem thêm tại: https://special.nhandan.vn/kinh-te-Vietnam-nam-2023-mot-nam-vuot-kho-thach-thuc-van-con/

bottom of page