top of page

Thách thức uy tín của FED và nguy cơ lãi suất cao kéo dài

Trước nhiều diễn biến trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ toàn cầu trong thời gian gần đây, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao của Mỹ cũng như trên phạm vi toàn cầu, vai trò của đương kim Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED), Ông Jerome Powell đang được các nhà lãnh đạo quốc gia và giới chuyên gia trong lĩnh vực theo dõi sát sao.

Thách thức uy tín của FED và nguy cơ lãi suất cao kéo dài

Trước nhiều diễn biến trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ toàn cầu trong thời gian gần đây, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao của Mỹ cũng như trên phạm vi toàn cầu, vai trò của đương kim Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED), Ông Jerome Powell đang được các nhà lãnh đạo quốc gia và giới chuyên gia trong lĩnh vực theo dõi sát sao.


Bài báo “Thách thức uy tín của FED và nguy cơ lãi suất cao kéo dài” của 02 tác giả Nguyễn Xuân Hải và Lê Quỳnh Trang đăng trên báo Nhân Dân điện tử ngày 03/11/2022 đã đưa ra những nhận định khách quan về vai trò của ông Powell khi đứng trước những thách thức vĩ mô và phân tích những nhiệm vụ mà FED cần thực hiện để kiểm soát lạm phát ở Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.


Tại thời điểm này, tình trạng đình lạm (stagflation) - trạng thái nền kinh tế đình đốn đồng thời với lạm phát tăng cao - đang diễn ra không chỉ ở Mỹ mà tại nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt ông Powell vào tình thế khó khăn. Nếu tiếp tục tăng lãi suất, kinh tế suy thoái và thất nghiệp gia tăng, ông Powell sẽ là người phải hứng chịu sự phẫn nộ không chỉ của giới chính trị gia ở Mỹ, người lao động Mỹ, mà còn cả của người dân toàn cầu. Ngược lại, nếu dừng tăng lãi suất và lạm phát tiếp tục trầm trọng thêm sẽ dẫn đến bào mòn tài sản tích lũy của người dân, suy giảm đầu tư dài hạn, ông Powell cũng vẫn sẽ là người hứng chịu mọi mũi rìu dư luận.


Một trong những nhiệm vụ căn cốt nhất của ngân hàng trung ương nói chung, và FED nói riêng, là ổn định lạm phát. Để làm được như vậy, ngân hàng trung ương, ngoài những công cụ chính sách, cần phải giữ được uy tín của mình. Điều đó được lý giải trên ba khía cạnh: Thứ nhất, ngân hàng trung ương luôn cần thể hiện được sự độc lập về chuyên môn trong việc đánh giá tình hình thực tế và cân nhắc các giải pháp phù hợp. Thứ hai, uy tín của ngân hàng trung ương nằm ở cam kết kiềm chế lạm phát trong trung và dài hạn. Thứ ba, thị trường cần được bảo đảm rằng những thông tin và quyết định chính sách từ phía ngân hàng trung ương là có độ tin cậy cao - nếu đã tuyên bố tăng hay giảm lãi suất, thì chắc chắn sẽ thực hiện.


Về cơ bản, kể từ khi thành lập vào năm 1913, FED được thị trường đánh giá là cơ quan phục vụ các mục tiêu mang tính chính trị nhiều hơn, cụ thể là đề cao tăng trưởng kinh tế thay vì kiềm chế lạm phát. Sau cuộc Đại khủng hoảng 1930, sự thay đổi Luật khiến hệ thống quyền lực tập trung vào Hội đồng Thống đốc,nhưng trong hoạt động thực tế vẫn chịu ảnh hưởng nhiều của Bộ Ngân khố Mỹ và chưa thể hiện được sự độc lập về chuyên môn và cam kết kiểm soát lạm phát.


Đỉnh điểm của sự yếu kém của FED trong kiểm soát lạm phát được bộc lộ trong giai đoạn 1970-1979 dưới thời kỳ ông Arthur Burns và người kế nhiệm, ông William Miller khi điều chỉnh lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát, nhưng nhanh chóng đảo ngược hành động ngay khi lạm phát bắt đầu giảm xuống vì sợ sẽ làm ảnh hưởng đến tình trạng thất nghiệp và tăng trưởng. Kết quả là cả lạm phát và thất nghiệp đều ở mức cao kỷ lục so với giai đoạn trước đó.


Uy tín trong việc kiểm soát lạm phát của FED chỉ được cải thiện khi ông Paul Volcker chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch từ ngày 06/08/1979. Dù đã bắt nền kinh tế trải qua thời kỳ tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiệm kỳ của ông đã mang lại cho FED uy tín chưa bao giờ có được.


Đến thời điểm tháng 11/2022, ông Powell đang đứng trước bối cảnh tương tự thời điểm cuối 1970s, khi lạm phát đã vọt lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua; lãi suất cơ bản cũng đã được nâng lên ở mức cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Câu hỏi đặt ra là ông Powell sẽ được lịch sử ghi nhận như Arthur Burns và William Miller, những người tiền nhiệm bất lực trước lạm phát; hay như Paul Volcker, người đặt nền móng cho vị thế độc lập toàn diện của FED và đến nay vẫn luôn được công nhận là một trong những người đứng đầu ngân hàng trung ương giỏi nhất mọi thời đại?


Câu trả lời đã khá rõ ràng: ông Powell sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản và duy trì nó ở mức cao cho đến sau khi lạm phát quay trở về mức chấp nhận được - không sớm hơn dù chỉ một phút.


Thế giới, vì vậy, có lẽ nên chuẩn bị sẵn sàng cho một thời kỳ lãi suất cao kéo dài./.

Xem thêm bài viết tại: https://nhandan.vn/thach-thuc-uy-tin-cua-fed-va-nguy-co-lai-suat-cao-keo-dai-post722965.html

bottom of page