Giải pháp nào cho việc thiếu hụt lao động cục bộ?
Thông qua phân tích nguyên nhân của thực trạng thiếu hụt lao động tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới, bài viết khuyến nghị một số giải pháp phù hợp cho Việt Nam trong việc khắc phục tình trạng mất cân đối nguồn cung lao động cục bộ ở một số địa phương và ngành nghề.
Bài viết “Giải pháp nào cho việc thiếu hụt lao động cục bộ?” của tác giả Chu Thị Lê Anh đăng trên báo Nhân dân ngày 24/11/2021 khẳng định trong bối cảnh Việt Nam tạm kiểm soát được dịch và bước vào giai đoạn bình thường mới, thị trường lao động phải chịu nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch, việc triển khai các chính sách, giải pháp càng trở nên gấp rút.
Bài viết chỉ ra tình trạng mất cân đối nguồn cung lao động cục bộ ở một số địa phương, trong những nhóm nghề thâm dụng lao động, thế mạnh của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam như: Điện tử, da giày, may, dệt… Trong khi một số tỉnh, thành phố khác lại gặp phải tình trạng dư thừa lao động. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự dịch chuyển ồ ạt của lao động nhập cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trở về quê tránh dịch nhưng chưa quay lại được để làm việc, trong khi lao động tại chỗ lại chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Một nguyên nhân khác là một bộ phân người lao động lựa chọn ở lại quê tìm việc, chuyển đổi sang những công việc khác phù hợp với bản thân, thậm chí, rời khỏi thị trường lao động.
Để đưa rút ra bài học cho Việt Nam, bài viết đã phân tích thực trạng và kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc giải quyết vấn đề tương tự: mất cân đối cung - cầu lao động đang ngày một gia tăng ở các nhóm ngành nghề yêu cầu kỹ năng thấp và công việc bấp bênh. Các quốc gia đã đưa ra các chính sách, biện pháp tập trung vào việc trợ cấp tiền lương, điều chỉnh quy định lao động, giảm thời gian làm việc, giới thiệu việc làm và đào tạo kỹ năng cho người lao động… Đây là những chính sách nhằm khuyến khích người lao động quay lại thị trường với tay nghề tốt hơn, dễ dàng tìm được công việc bền vững với mức lương cao hơn và được bảo vệ tốt hơn.
Từ đó, bài viết đã đề xuất một số giải pháp cho thiếu hụt lao động cục bộ ở Việt Nam như sau:
Đầu tiên, Việt Nam có thể thực hiện một số chính sách mang tính thời điểm giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp để đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp góp phần bù đắp lao động bị thiếu hụt.
Về phía người sử dụng lao động, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch cụ thể; tạo môi trường an toàn, bảo đảm phòng dịch; Đồng thời, cũng cần linh hoạt phương thức làm việc, thay đổi mô hình kinh doanh để tạo được sự kết nối chặt chẽ với người lao động. Không những thế, doanh nghiệp cũng có thể tận dụng cơ hội này để đón xu hướng tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ để tìm hướng đi phù hợp và hiệu quả hơn trong tương lai.
Về phía người lao động, ngoài việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, họ còn cần đồng lòng với chính quyền trong việc thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng dịch, cũng như chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tay nghề… để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và thích ứng với xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm hiện nay.
Về phía chính quyền và các cơ quan hữu quan, cần triển khai cụ thể các chính sách dành cho lao động nhập cư kết hợp với chính sách xã hội và an sinh, đặc biệt là y tế.
Đặc biệt là, cần bảo đảm thông tin thị trường lao động được thông suốt để người tìm việc gặp được việc tìm người sớm nhất và thuận tiện nhất. Hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm – một kênh kết nối cung cầu lao động hiệu quả đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình. Bên cạnh đó, thông qua trung tâm này, cần tích cực mở lớp sơ cấp nghề hỗ trợ người lao động muốn nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn – kỹ thuật và chuyển đổi công việc sau dịch.
Tóm lại, thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa phương, một số ngành nghề là câu chuyện vẫn chưa có hồi kết. Để sự mất cân đối cung-cầu lao động không ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, ngay lúc này rất cần sự đồng lòng chia sẻ của cả doanh nghiệp và người lao động, và đặc biệt là sự vào cuộc, sự quan tâm quyết liệt và sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền ở tất cả các cấp, ngành và địa phương./.
----------------
Xem thêm về bài viết tại: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/giai-phap-nao-cho-viec-thieu-hut-lao-dong-cuc-bo--675341/