Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động – việc làm: Giá đỡ vững chắc
Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách an sinh xã hội có tác động tích cực nhất, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên tục xây dựng, hoàn thiện và triển khai chính sách để bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục phát huy vai trò “giá đỡ” và đặt nền móng phát triển cho thị trường lao động trong giai đoạn tới.
Bài viết “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động - việc làm: Giá đỡ vững chắc” của ThS. Lê Quỳnh Trang và ThS. Vũ Thị Hằng đăng trên báo Nhân dân ngày 28/09/2021 đã phân tích cụ thể ý nghĩa và vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong hỗ trợ thị trường lao động.
Làm rõ bản chất của BHTN, các tác giả chỉ ra BHTN là một loại hình bảo hiểm được thực thi bởi cơ quan chính phủ có thẩm quyền nhằm cung cấp các hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp, với một số đặc trưng: (i) được quy định cụ thể về đối tượng và điều kiện thụ hưởng; (ii) vận hành trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro; (iii) các khoản chi trả có thời hạn và nhằm mục tiêu khắc phục rủi ro; (iv) nguồn quỹ chủ yếu được hình thành từ sự đóng góp của người tham gia và chính phủ giữ vai trò đảm bảo thực hiện. Xét về bản chất, BHTN chia sẻ rủi ro giữa những người lao động, có tính thời điểm và chỉ phát huy tác dụng khi người lao động bị thất nghiệp. Đồng thời, BHTN tạo điều kiện để người lao động (NLĐ) tìm được công việc tốt và phù hợp trong thời gian ngắn nhất.
Bài viết cũng chỉ ra rằng BHTN là một trong những chính sách an sinh xã hội có tác động tích cực nhất đến thị trường lao động và nền kinh tế, không chỉ hỗ trợ một phần thu nhập bị mất của NLĐ mà còn hỗ trợ rút ngắn thời gian thất nghiệp. Ngoài ra, điều kiện để được hưởng BHTN cũng chính là động lực khuyến khích NLĐ lựa chọn công việc có tính ổn định, bền vững hơn. Và đặc biệt, quỹ BHTN còn là nguồn lực tài chính hữu hiệu giúp tiết kiệm ngân sách và chi tiêu chính phủ khi cần hỗ trợ thị trường lao động trước các cú sốc kinh tế.
Tại Việt Nam, chính sách BHTN chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội 2006, được mở rộng, bổ sung, cải tiến quy trình theo Luật Việc làm 2015 và đã phát huy rất hiệu quả vai trò “giá đỡ” an sinh xã hội vững chắc. Chính sách BHTN Việt Nam được phát triển bao gồm ba chế độ có từ năm 2009 là: (i) trợ cấp thất nghiệp, (ii) hỗ trợ tìm việc làm, (iii) hỗ trợ học nghề; và một chế độ mới từ năm 2015 là (iv) hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Cục Việc làm là đơn vị quản lý nhà nước về BHTN, cùng hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm của 63 tỉnh thành phối hợp chặt chẽ triển khai các hoạt động cụ thể.
Thông qua những dẫn chứng và số liệu thực tế, bài viết cho thấy, sau hơn 10 năm thực hiện, BHTN đã đạt được các kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, trước tác động của đại dịch Covid-19 tới thị trường lao động Việt Nam, BHTN đã kịp thời trợ giúp người lao động và thể hiện tốt vai trò “hấp thụ sốc tự động” cho nền kinh tế, giảm gánh nặng cho Ngân sách nhà nước. Nghị quyết 116/NQ-CP là minh chứng gần đây nhất cho vai trò hỗ trợ của BHTN Việt Nam đối với người lao động và người sử dụng lao động trong thời điểm khó khăn này./.
------------------------------
Chi tiết xem thêm tại: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/chinh-sach-bao-hiem-that-nghiep-doi-voi-lao-dong-viec-lam-gia-do-vung-chac--667087/