top of page

Thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Lo trước để giảm lo sau

Tiếp nối những phân tích về “bệnh nền” từ hiện trạng thiết hụt lao động tại Mỹ sau đại dịch Covid-19, bài viết đã liên hệ tới thực trạng thị trường lao động – việc làm của Việt Nam. Từ đó, các tác giả đã chỉ ra năm nhóm nguy cơ mà thị trường lao động – việc làm trong nước có thể gặp phải, đồng thời đề xuất một số giải pháp phù hợp về mặt chính sách.

Thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Lo trước để giảm lo sau

Bài viết “Thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Lo trước để giảm lo sau” của TS Nguyễn Xuân Hải và ThS Chu Thị Lê Anh đăng trên báo Nhân dân Điện tử ngày 10/8/2021. Đây là phần nối tiếp những phân tích về năm loại “bệnh nền” mà thị trường lao động Mỹ đã gặp phải sau đại dịch.


Trong bài viết này, các tác giả nhận định, những vấn đề thị trường lao động Mỹ đang đối mặt đồng thời là thách thức chung của nhiều quốc gia khác trên thế giới bao gồm Canada, Chile, Australia, New Zealand, Anh, Hungary, Nhật Bản, Trung Quốc, v.v.


Trở về với Việt Nam, năm 2020 đã chứng kiến những thành công nhất định định trong kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn phải chịu ảnh hưởng khá nghiêm trọng, thể hiện qua tỷ lệ 69,2% lao động bị giảm thu nhập hay tỷ lệ thất nghiệp cả năm là 2,48%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp được đánh giá là kịp thời và chưa có tiền lệ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, với mục tiêu sẽ đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối quý I/2022.


Với kỳ vọng kinh tế nhanh cóng phục hồi, bài viết đã chỉ ra năm nhóm thách thức mà thị trường lao động Việt Nam có thể gặp phải và kiến nghị giải pháp khắc phuc, bao gồm:


Thứ nhất, khả năng kết nối cung - cầu lao động khi nền kinh tế phục hồi sẽ tiếp tục là vấn đề nhức nhối cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cả người lao động. Giải pháp được đề xuất là cần nhanh chóng triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu với hạ tầng công nghệ thông tin kết nối thông tin lao động - việc làm liên tỉnh, giúp thúc đẩy khôi phục và phát triển sản xuất.


Thứ hai, một lượng lớn lao động bị mất hoặc tạm dừng việc đã di chuyển ra khỏi khu vực thành thị và khu công nghiệp do sức ép về chi phí sinh hoạt. Cùng với tâm lý e ngại dịch bệnh, các lao động này có thể không sẵn sàng quay trở lại nơi làm việc ngay sau khi dịch được kiểm soát sẽ kéo theo nguy cơ thiếu hụt lao động ở thành thị và các khu công nghiệp. Do đó, Chính phủ cần chuẩn bị thêm một số phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc như hỗ trợ chi phí di chuyển và ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, kèm theo các quy định và hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe, tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.


Thứ ba, khi dịch bệnh kéo dài, một bộ phận người lao động đã chuyển hướng sang một số ngành nghề khác như buôn bán trực tuyến, kinh doanh nhỏ lẻ, v.v. Ảnh hưởng của xu thế nêu trên tới thị trường lao động và nền kinh tế còn chưa thực sự rõ ràng nên cần có các nghiên cứu bài bản, khách quan và khoa học, làm căn cứ để phân tích dự báo, kiến nghị chính sách theo ngành nghề, địa bàn, lứa tuổi, v.v.


Thứ tư, dịch Covid-19 tác động không đồng đều đến các nhóm lao động khác nhau về tay nghề, độ tuổi hay đặc thù nghề nghiệp. Đứng trước nguy cơ đó, một trong những giải pháp tốt nhất là các chính sách khuyến khích người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, có thể thông qua cơ chế mới cho phép người lao động trực tiếp đăng ký các khóa đào tạo, sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lại lao động cũ cũng có thể được xem như giải pháp bổ sung.


Thứ năm, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ già hóa dân số trong tương lai gần. Người lao động sắp đến tuổi nghỉ hưu sẽ có xu hướng nghỉ hưu sớm (tự nguyện hoặc không tự nguyện), hoặc rất khó quay lại tìm việc trên thị trường chính thức sau đại dịch. Do vậy, cần có các chính sách duy trì, bảo vệ và tạo mới việc làm cho người cao tuổi./.


----------------

Xem thêm về bài viết tại: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/thi-truong-lao-dong-viet-nam-sau-dai-dich-covid-19-lo-truoc-de-giam-lo-sau-658662/

bottom of page