Duy trì miễn dịch cộng đồng - bài toán cần sớm có lời giải
Trong những ngày cả nước đang gồng mình chống dịch, việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 rộng rãi để đạt được miễn dịch cộng đồng đang nỗ lực được đẩy nhanh, thì câu hỏi về biện pháp để duy trì miễn dịch cộng đồng trong dài hạn cũng cần được đồng thời quan tâm. Bằng việc xác định ba nguy cơ và đề xuất giải pháp khắc phục nhằm duy trì trạng thái miễn dịch cộng đồng là mục tiêu mà mà bài viết mong muốn đạt được.
Bài viết “Duy trì miễn dịch cộng đồng – bài toán cần sớm có lời giải” của nhóm tác giả Lê Quỳnh Trang, Vũ Thị Hằng và Nguyễn Tùng Anh được đăng trên báo Nhân dân ngày 5/8/2021 trong bối cảnh cả đất nước đang gồng mình chống lại sự lan rộng của đợt dịch thứ tư, mà trong đó, việc đẩy nhanh độ phủ của vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất được xem là giải pháp tối ưu.
Đầu tiên, bài viết khẳng định: nguyên tắc phân phối vaccine tập trung trên cơ sở ưu tiên một số nhóm đối tượng là những cán bộ, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch và những người, do đặc thù nghề nghiệp hoặc vị trí địa lý, có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng là phù hợp. Đồng thời, với ước tính về lượng cung ứng vaccine cũng như nỗ lực tối đa của hệ thống y tế nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì việc đạt miễn dịch cộng đồng vào khoảng cuối quý I/2022 như được đề ra trong Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế là khả thi.
Trong bối cảnh như vậy, câu hỏi tiếp theo cần trả lời là sau khi đạt miễn dịch cộng đồng lần đầu tiên thì cần làm gì tiếp theo để duy trì trạng thái miễn dịch cộng đồng trong dài hạn? Để trả lời câu hỏi này, nhóm tác giả đã xác định ba khó khăn cũng như đề xuất biện pháp khắc phục, bao gồm:
Một là vấn đề về kinh phí.
Bài viết phân tích, việc phân phối vaccine theo phương thức nhà nước chủ trì như hiện nay giúp tập trung tài nguyên và nguồn lực để đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian nhanh nhất, đồng thời hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội như gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine, v.v. Tuy nhiên phương thức này cũng đặt gánh nặng khá lớn lên ngân sách quốc gia, mà trong đó biện pháp kêu gọi đóng góp của người dân như đang triển khai với Quỹ Vaccine phòng Covid-19 chỉ là giải pháp tình thế. Do vậy, giải pháp trong dài hạn để duy trì miễn dịch cộng đồng là tiến dần tới đa dạng hóa phương thức cung ứng và phân phối vaccine thông qua kết hợp các chương trình tiêm chủng dịch vụ.
Hai là vấn đề về năng lực đáp ứng của hệ thống y tế trong nước.
Thực tế về điều kiện vật chất của các điểm tiêm chủng có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương cũng như trang thiết bị tại nhiều điểm tiêm chủng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản và vận chuyển vaccine là một thực tế không thể phủ nhận. Các tính toán liên quan tới thời điểm đạt miễn dịch cộng đồng lần đầu cho thấy, việc duy trì được miễn dịch cộng đồng phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của hệ thống y tế trong nước, cụ thể là khả năng tiêm chủng phổrộng. Để duy trì miễn dịch trong dài hạn, điều này cần được đảm bảo trên cả 63 tỉnh, thành phố. Do vậy, việc đầu tư nâng cao năng lực cho toàn bộ hệ thống y tế phục vụ tiêm chủng mở rộng là cấp thiết và liên tục.
Ba là vấn đề về “người ăn theo”
Khi Việt Nam đã đạt miễn dịch cộng đồng lần đầu và tiêm vaccine phòng Covid-19 không còn cấp thiết, một khả năng có thể xảy ra là số lượng người dân chủ động và tự nguyện tiêm vaccine hằng năm không đạt mức 70% dân số do các lo ngại về tác dụng phụ của vaccine, do giá thành vaccine quá cao hay do khả năng tiếp cận vaccine thấp. Việc đa dạng hóa hình thức phân phối vaccine như đã nêu ở trên kết hợp với các biện pháp bổ sung bao gồm tuyên truyền, thực hiện hộ chiếu vaccine và một sốbiện pháp hành chính đơn giản - như yêu cầu người dân chưa tiêm vaccine phải có phiếu xét nghiệm âm tính với Covid-19 hay ưu tiên cung cấp dịch vụ công cho người dân đã thực hiện tiêm chủng đầy đủ là những biện pháp có thể cân nhắc để áp dụng.
Thay lời kết, bài viết khẳng định điều Việt Nam cần trong lúc này là sự chủ động và chuẩn bị lâu dài, cả về nhân lực, vật lực và phương thức chiến đấu để chiến thắng dịch bệnh./.
----------------
Xem thêm về bài viết tại: https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/duy-tri-mien-dich-cong-dong-bai-toan-can-som-co-loi-giai-658330