top of page

Thiếu hụt lao động tại Mỹ thời Covid-19: Triệu chứng của bệnh nền?

Đại dịch Covid-19 đưa đến những tình huống khá eo le, không chỉ về y tế hay dịch tễ học mà còn cả trên phương diện kinh tế, chính trị, xã hội. Điển hình như ở Mỹ, Covid-19 đã vừa khiến cho tình trạng thất nghiệp - mất việc làm lẫn thiếu hụt lao động đan xen diễn ra. Bài viết đã đưa ra những luận giải về năm nguyên nhân được xem là “bệnh nền” của thị trường lao động Mỹ hiện tại.

Thiếu hụt lao động tại Mỹ thời Covid-19: Triệu chứng của bệnh nền?

Bài viết “Thiếu hụt lao động tại Mỹ thời Covid-19: Triệu chứng của bệnh nền?” của TS Nguyễn Xuân Hải và ThS Chu Thị Lê Anh được đăng trên báo Nhân dân ngày 02/08/2021.


Bài viết mở đầu bằng thông tin khái quát những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên thị trường lao động – việc làm của Mỹ năm 2020 như tỷ lệ thất nghiệp lên đến 14,7% (tương đương 23,1 triệu lao động không có việc làm) vào tháng 4/2020 – cao nhất kể từ khi Mỹ bắt đầu thu thập và báo cáo số liệu thất nghiệp năm 1948. Phản ứng chính sách của chính phủ Mỹ tại thời điểm đó thể hiện bằng việc ban hành và thường xuyên cập nhật nhiều chính sách hỗ trợ người lao động. Nổi bật nhất là chính sách tăng mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp thêm 300 USD/tuần và thời gian hưởng kéo dài thêm 13 tuần.


Bước vào năm 2021, khi vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được cấp phép, Mỹ là một trong những quốc gia đi đầu trong việc triển khai tiêm vaccine rộng rãi với hy vọng nhanh chóng có được miễn dịch cộng đồng. Những nỗ lực này đã khiến kinh tế có dấu hiệu hồi phục khi các yêu cầu giãn cách xã hội dần được dỡ bỏ; thị trường lao động Mỹ cũng vì thế mà trở nên sôi động hơn với tỷ lệ thất nghiệp trở về mức dưới 6%.


Thế nhưng, vấn đề về thiếu hụt lao động lại đồng thời trở nên ngày càng rõ nét. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Mỹ vẫn chững ở mức 61,6% và số người mong muốn quay lại thị trường lao động chỉ ở mức 6,4 triệu. Về phía cung lao động, khảo sát của Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia (National Federation of Independent Business) cho thấy, 46% doanh nghiệp nhỏ hiện nay không thể tuyển được người.


Tổng kết nhận định của các chuyên gia về vấn đề này, bài viết đã chỉ ra nguyên nhân về mặt xã hội là do tâm lý lo lắng nguy cơ dịch bệnh sẽ quay trở lại hiến người lao động chưa muốn quay lại đi làm ngay. Mặt khác, trên khía cạnh kinh tế, các nhà kinh tế học lại cho rằng những chính sách hỗ trợ lao động quá hào phóng của Chính phủ đã làm giảm động lực quay trở lại công việc trước đó với mức lương cũ của người lao động, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động như đang diễn ra.


Phân tích sâu hơn về nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn kể trên của thị trường lao động – việc làm ở Mỹ, các tác giả đã đứng trên góc nhìn rộng hơn, từ đó xác định năm nguyên nhân được xem như là “bệnh nền” của thị trường lao động Mỹ, cụ thể: (i) dịch bệnh khiến lao động có xu hướng dịch chuyển khỏi thành phố lớn nhằm tiết kiệm chi phí nên cần một khoảng thời gian để họ quay trở lại khu vực có nhiều việc làm trống; (ii) một số lao động mất việc đã chuyển đổi sang nghề nghiệp khác hoặc đang tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ nền không có nhu cầu tìm việc ngay; (iii) một số lao động gần đến tuổi nghỉ hưu bị mất việc do Covid-19 sẽ có xu hướng không muốn hoặc không thể quay trở lại thị trường lao động; (iv) bất hợp lý trong cơ cấu thị trường lao động khiến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động suy giảm dần theo thời gian; (v) xu thế già hóa dân số khiến số lao động mới gia nhập thị trường không đủ để thay thế lượng lao động nghỉ hưu.


Với năm góc nhìn như trên, bài viết khẳng định việc thiếu hụt lao động ở Mỹ có nguồn gốc sâu xa hơn là do hệ quả của những xu thế tiềm ẩn trong thị trường lao động - việc làm mà đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh hơn, làm trầm trọng hơn những nguy cơ này. Từ đó, bài viết mở ra một câu hỏi tiếp theo cần lời giải, là vậy Việt Nam sẽ học được gì từ kinh nghiệm thực tế và kinh nghiệm chính sách của Mỹ?


------------------------------

Xem thêm về bài viết tại: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/thieu-hut-lao-dong-tai-my-thoi-covid-19-trieu-chung-cua-benh-nen--657966/

bottom of page