top of page

Việt Nam và nỗi oan thao túng tiền tệ

Trước sự kiện Bộ Tài chính Mỹ gán mác “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam vào cuối năm 2020, bài viết đã đưa ra những phân tích và lập luận liên quan đến vấn đề này. Từ đó, các tác giả nhận định rằng, đây là một kết luận không có đủ căn cứ khoa học lẫn thực tiễn vững chắc, do đó, không có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội của hai quốc gia và mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.

Việt Nam và nỗi oan thao túng tiền tệ

Bài viết “Việt Nam và nỗi oan thao túng tiền tệ” của hai tác giả Nguyễn Xuân Hải và Lê Quỳnh Trang được đăng trên báo Nhân dân ngày 21/12/2020 trong bối cảnh báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” của Bộ Tài chính Mỹ nhận định Việt Nam, cùng với Thụy Sỹ, đang thao túng tiền tệ. Phản hồi lại kết luận này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định rằng các chính sách tiền tệ của Việt Nam được ban hành vì các mục đích kinh tế vĩ mô khác nhau nhưng chắc chắn "không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”. Do đó, Việt Nam không có ý đồ thao túng tiền tệ.


Bài viết chỉ ra rằng, mác “thao túng tiền tệ” được Mỹ gán cho những quốc gia liên tục phá giá đồng nội tệ nhằm làm hàng hoá xuất khẩu rẻ đi và tăng khả năng thâm nhập vào thị trường Mỹ, trong khi đây không phải là chiến lược mở cửa nền kinh tế của Việt Nam. Thay vào đó, Việt Nam hướng tới mục tiêu rộng hơn, là nhằm liên thông và bắt kịp với sự phát triển chung của thế giới, trở thành điểm đến của nguồn nhân lực và dòng vốn quốc tế. Do đó, việc Việt Nam “phá giá đồng tiền” – với những rủi ro do hoạt động đó mang lại – được các tác giả xác định là một điều bất hợp lý.


Để hiểu rõ hơn về thuật ngữ “thao túng tiền tệ”, bài viết đã giải thích, căn cứ theo Luật Xúc tiến và Thực thi Thương mại (Trade Facilitation and Trade Enforcement Act) của Mỹ, các quốc gia được nhận định là thao túng tiền tệ dựa trên ba tiêu chí: (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trong khoảng thời gian 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng trong 12 tháng tương đương ít nhất 2% GDP. Khi một nước được xác định là thao túng tiền tệ sẽ không được phép tham gia vào các hợp đồng kinh tế với Chính phủ Mỹ và có thể bị áp đặt các biện pháp “trừng phạt” khác. Trong quá khứ, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, v.v. đều đã từng bị gán mác này.


Từ đó, bài viết khẳng định hai quan điểm: Một là, về lý luận, ba tiêu chí do Bộ Tài chính Mỹ đưa ra không có căn cứ khoa học vững chắc để xác định một quốc gia có hay không thao túng tiền tệ, vì cho đến nay chưa có một lý thuyết kinh tế - tài chính quốc tế nào có thể khẳng định thế nào “tỷ giá đúng” giữa hai loại tiền tệ, cũng như các tiêu chí để xác định tỷ giá này. Hai là, về thực tiễn, các kết luận liên quan tới vấn đề này là những thao tác mang tính kỹ thuật và thuần túy kinh tế, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật quốc gia, mà không phải là ý đồ chính trị.


Liên quan đến nguyên nhân sâu xa hơn đưa đến kết luận này, bài viết nhận định là do (i) những thành công nổi trội trong phòng chống đại dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều, trái ngược với diễn biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới; (ii) Việt Nam đã thành công đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác tốt khoảng trống trong nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài từ 2018 gây ra; và (iii) Việt Nam, với nỗ lực phòng ngừa rủi ro khủng hoảng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng trong nương lai, đã gia tăng lượng ngoại hối dự trữ.


Với những nguyên nhân như vậy, tiến trình đàm phán thương mại và phi thương mai khéo dài khoảng một năm sau kết luận trên của Bộ Tài chính Mỹ sẽ giúp hai quốc gia hiểu nhau hơn để đi đến thống nhất chung, cùng với kỳ vọng kinh tế khôi phục trạng thái bình thường sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Việt Nam giảm bớt biện pháp tích lũy ngoại hối phòng ngừa rủi ro là những căn cứ vững chắc cho kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm được đưa ra khỏi danh sách “nước thao túng tiền tệ”. 


Bài viết kiến nghị, nhiệm vụ trước mắt của Việt Nam là hiểu đúng bản chất sự việc, ổn định tâm lý nền kinh tế nội địa, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài và tiếp tục tập trung cho các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn./.


----------------

Xem thêm về bài viết tại: https://nhandan.vn/phan-tich/viet-nam-va-noi-oan-thao-tung-tien-te-628879/ 

Cùng chủ đề này, hai tác giả cũng có một buổi trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV. Xem thêm về buổi trao đổi tại: https://vov.vn/emagazine/my-gan-mac-thao-tung-tien-te-voi-viet-nam-hieu-dung-ban-chat-de-hanh-dong-826924.vov

bottom of page