Lao động và phản ứng chính sách trước đại dịch Covid-19
Nửa năm dịch Covid-19 khi bùng phát trên phạm vi toàn thế giới, dịch bệnh đã có những tác động tiêu cực lên tình hình kinh tế - xã hội toàn cầu. Bài viết đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như những biện pháp mà chính phủ Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đã áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Bài viết “Lao động và phản ứng chính sách trước đại dịch Covid-19” đăng trên báo Nhân dân điện tử ngày 15/8/2020 được TS. Vũ Trọng Bình và TS. Nguyễn Xuân Hải viết trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng trên phạm vi toàn thế giới.
Dịch bệnh đã khiến nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB, v.v. đưa ra những nhận định không mấy tích cực về tình hình kinh tế thế giới. Thậm chí, WB đã dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức âm 5% cho cả năm 2020. Đối với thị trường lao động, báo cáo của ILO cho biết 93% lao động toàn thế giới chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch ở các mức độ khác nhau. Tỷ lệ thất nghiệp ở các nước phát triển đều ở mức cao chưa từng có trong 7-10 năm trở lại đây, lên đến 6,7% ở các nước thuộc Liên minh châu Âu, 4,5% ở Hàn Quốc và 2,9% ở Nhật Bản. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở các quốc gia đang phát triển Đông Nam Á. Tỷ lệ thất nghiệp ở Malaysia lên đến 5,3% - cao nhất trong vòng 30 năm qua, trong khi đó ở Thái Lan có đến 52,5% hộ gia đình bị giảm thu nhập.
Trong bối cảnh đó, chính phủ các quốc gia triển khai rất nhiều chính sách đặc thù, các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Theo thống kê của các tác giả, hơn 90 quốc gia trên thế giới đã thực thi các chính sách hỗ trợ với tổng kinh phí lên đến hơn 10 nghìn tỷ USD. Các nước phát triển tập trung vào các chính sách trên nền tảng hệ thống an sinh sẵn có như miễn giảm thuế, tạm ngừng nghĩa vụ tài chính với các quỹ an sinh xã hội cho đến hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động và doanh nghiệp. Cụ thể như chính phủ Mỹ hỗ trợ 1.200 USD đối với mỗi công dân có thu nhập dưới 75 nghìn USD/, hay người dân Nhật Bản được nhận trợ cấp 100 nghìn Yên và được vay không lãi lên đến 600 nghìn Yên tùy vào thu nhập. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển với nguồn lực hạn chế hơn cũng triển khai các gói hỗ trợ ở quy mô nhỏ, hướng tới các đối tượng yếu thế, như ở Thái Lan, chính phủ hỗ trợ 5000 Baht/tháng (khoảng 3,7 triệu đồng) trong ba tháng cho 24 triệu lao động không có giao kết hợp đồng và nằm ngoài lưới an sinh.
Tại Việt Nam, trước những ảnh hưởng không hề nhỏ của đại dịch tới kinh tế - xã hội và thị trường lao động, Chính phủ cũng đã ban hành gói hỗ trợ với dự toán lên tới 62 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng sâu về thu nhập, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và chưa được tiếp cận với lưới an sinh xã hội sẵn có. Đây là một chính sách được đánh giá là mạnh dạn, có tính chủ động, phù hợp với kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh, các tác giả cũng khuyến nghị cần tiếp tục theo dõi sát sao hơn ảnh hưởng của dịch, có thể cân nhắc ban hành thêm những chính sách hỗ trợ mới nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn./.
------------------------------
Xem thêm về bài viết tại: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/lao-dong-va-phan-ung-chinh-sach-truoc-dai-dich-covid-19--612245/