Sinh hoạt chuyên môn 18/9
1. Tổng hợp và phân tích sự kiện trong tuần; 2. Chính phủ kiến tạo: Lý do và nội hàm
Hữu Đạo
Nhóm Chính sách Hathaway tiếp tục có buổi sinh hoạt thường kỳ vào sáng 18/9. Hai nội dung chính được thảo luận là tổng hợp và phân tích sự kiện chính trong tuần và nghiên cứu về chính phủ kiến tạo qua lăng kính của lý thuyết trò chơi.
Về nội dung tổng hợp và phân tích sự kiện, đại diện Nhóm trình bày tổng quan các sự kiện chính đã xảy ra, xâu chuỗi một số nội dung chuyên sâu và phân tích chi tiết nội dung liên quan đến bài viết "Vaccine khan hiếm, khó tiêm dịch vụ" được đăng trên VnEconomy.vn ngày 13/9/2021 (Chi tiết tham khảo mục Chia sẻ). Các sự kiện chính được xoay quanh chủ đề các diễn biến tiếp theo của dịch Covid-19 và triển vọng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2021 và trong năm 2022. Để diễn biến dịch và kinh tế Việt Nam theo được lộ trình như mong muốn, việc tiêm vaccine là một trong những mấu chốt quan trọng mà nhiều nhận định cho rằng hệ thống y tế công khó có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, quan điểm về việc "tiêm dịch vụ" có nên hay không, và nếu làm sẽ làm thế nào còn chưa được làm rõ trong bối cảnh nguồn vaccine còn khan hiếm và chính sách tiêm chủng phải đảm bảo công bằng trong tiếp cận cũng như đáp ứng được yêu cầu ưu tiên cho một số đối tượng tuyến đầu, đối tượng dễ bị tổn thương. Buổi thảo luận để ngỏ kết luận cho các buổi thảo luận tiếp theo.
Về nội dung chính phủ kiến tạo, dựa trên nghiên cứu "The 'Why' and 'What" of an Enabling Government: A game theoretic approach" của Hai Nguyen và Hang Vu (pdf), đại diện Nhóm trình bày và làm rõ nội hàm cũng như vai trò của một chính phủ kiến tạo qua một mô hình toán đơn giản (slides). Khi thị trường tự vận động, doanh nghiệp thường ra quyết định đầu tư dựa trên cân đối chi phí và lợi nhuận mà bỏ qua các tác động tích cực đến gia tăng việc làm, thu nhập cho người lao động. Một chính phủ kiến tạo, theo mô hình của bài nghiên cứu, là chính phủ sẵn sàng tạo các cơ chế ưu đãi thuế rộng rãi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở mức tối đa hoá lợi ích toàn xã hội. Thêm vào đó, trong trường hợp đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khi thời gian bảo vệ sở hữu trí tuệ quá dài (giảm động lực cạnh tranh) hoặc quá ngắn (giảm lợi ích nhận được khi đầu tư), doanh nghiệp sẽ rất rụt rè trong việc hi sinh chi phí hiện tại để đầu tư cho công nghệ mới. Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu chỉ sự dụng các biện pháp ưu đãi thuế, chính phủ sẽ không tối đa được lợi ích toàn xã hội. Nếu chính phủ chủ động chịu rủi ro và đầu tư trực tiếp, sau đó cho phép công nghệ được áp dụng rộng rãi và thu thuế sử dụng, thì lợi ích xã hội sẽ đạt được ở mức tối ưu. Đây là nội hàm của "chính phủ khởi tạo".
Trong khi miêu tả khá sát các lý luận đang được sử dụng và đã được thảo luận trong nhiều tài liệu, nghiên cứu đóng góp quan trọng vào việc mô hình hoá và qua đó, cụ thể hoá, lý do và nội hàm của chính phủ khởi tạo/kiến tạo, làm nền tảng cho các nghiên cứu sau này tiếp tục mở rộng và phát triển chủ đề.
Buổi làm việc của Nhóm kết thúc sau khi dự trù sơ bộ kế hoạch làm việc tuần tiếp theo và kế hoạch tổ chức buổi webinar về chủ đề lịch sử chính sách tài chính của Mỹ. Chi tiết sẽ được thông báo sau./.