top of page

Sinh hoạt chuyên môn 11/9

Quản trị địa phương - Chất lượng khảo sát - Chính sách hỗ trợ - Kỹ năng viết

Sinh hoạt chuyên môn 11/9

Hữu Đạo

Sáng 11/9, Hathaway Policy (HWP) tiếp tục tổ chức sinh hoạt định kỳ với sự có mặt của hầu hết các thành viên và một số bạn bè, cộng sự của Nhóm.


Tại buổi sinh hoạt, các thành viên Nhóm trình bày và thảo luận bốn nội dung theo chương trình dự kiến, gồm: (i) Quản trị địa phương; (ii) Tóm tắt và phản biện báo cáo Khảo sát doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19; (iii) Các chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19; và (iv) Tập huấn Kỹ năng viết.


Về nội dung quản trị địa phương, đại diện Nhóm trình bày khái quát về quản trị địa phương, các hoạt động quản trị nói chung, bộ máy chính quyền địa phương và quản trị bộ máy chính quyền địa phương, những nội dung và công cụ quản trị địa phương và mối quan hệ Chính quyền - Thị trường - Xã hội. Sau khi thảo luận để làm rõ khái niệm, nội hàm, Nhóm kết luận quản trị địa phương là một chủ đề cần được nghiên cứu kỹ, đặc biệt trong bối cảnh Nhóm dự kiến tham gia tư vấn sâu cho doanh nghiệp và các địa phương về các vấn đề liên quan, đảm bảo bám sát các chủ trương của Đảng, quy định của Chính phủ và phù hợp với kinh nghiệm quốc tế.


Về nội dung liên quan đến báo cáo Khảo sát doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19, đại diện Nhóm tóm tắt các kết quả để làm rõ bức tranh sức khoẻ doanh nghiệp, thị trường lao động mà Khảo sát đang phản ảnh. Sau khi thảo luận, Nhóm kết luận Khảo sát đã thống kê và miêu tả sơ bộ bức tranh hiện trạng; tuy nhiên, để sử dụng được các kết quả khảo sát cần sự thận trọng cao. Thứ nhất,  mẫu khảo sát chưa đủ lớn để phản ánh đúng cơ cấu lao động, ngành nghề, tuổi và địa bàn. Cụ thể, đa số người lao động tham khảo sát đều ở độ tuổi trẻ, phân bổ tập trung ở các vùng đang có dịch trong thời kỳ giãn cách xã hội mức độ cao (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...), dẫn đến bức tranh về thất nghiệp, mất việc, khó khăn trong cuộc sống chưa sát thực tế. Thêm vào đó, các kiến nghị chưa cụ thể, chưa có cơ sở vững vàng, mang tính liệt kê chứ chưa mang tính hệ thống tổng quan.


Về nội dung chính sách hỗ trợ người lao động, đại diện Nhóm tóm tắt các vấn đề người lao động gặp phải bao gồm: mất việc, giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/ nghỉ luân phiên, giảm thu nhập, tạm nghỉ/tạm dừng sản xuất, trong khi đó các chính sách hỗ trợ hiện nay xoay quanh hỗ trợ trực tiếp bằng tiền/hiện vật, miễn/giảm các khoản đóng góp, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm, hỗ trợ bổ sung và trẻ em và giảm chi phí sinh hoạt cho các vùng có dịch cùng một số hỗ trợ khác.  Sau khi thảo luận, Nhóm kết luận các chính sách hiện hành được đánh giá là kịp thời, bao phủ các đối tượng cần được trợ giúp với các phương thức hỗ trợ phù hợp ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp có động lực quay trở về cơ chế sản xuất bình thường chưa được rõ rệt. Đây là hướng gợi mở cần nghiên cứu sâu thêm trong thời gian tới.


Về nội dung tập huấn kỹ năng viết, đại diện Nhóm trình bày quan điểm viết (chuyên môn) cần tập trung vào logic đơn giản, dễ hiểu nhất cho người đọc. Cụ thể, người viết cần phải làm rất rõ rất sớm trong mỗi bài viết ba điểm chính là (i) câu hỏi cần trả lời, (ii) câu trả lời, và (iii) vị trí/ý nghĩa của câu hỏi/câu trả lời đối với bối cảnh chung. Mỗi bài viết cần có cấu trúc rõ ràng, thậm chí khô khan theo công thức để đảm bảo tính rành mạch. Sau khi thảo luận, ý kiến kết luận để phát triển kỹ năng viết gồm: (i) nghĩ - lập dàn ý - viết; (ii) viết - xin phản biện - viết lại - xin phản biện - viết lại tiếp...; và (iii) viết thật nhiều --- viết là kỹ năng nên muốn phát triển thì cần liên tục viết.


Kết thúc buổi họp, Nhóm thống nhất sơ bộ nội dung buổi sinh hoạt tiếp theo xoay quanh chủ đề quản trị thông tin của Nhóm trên nền tảng www.huudao.com và cách hiểu, tiếp cận khái niệm "Chính phủ khởi tạo"./.

bottom of page