Thị trường lao động 2021: Khi sức bền thử thách cùng đại dịch
Năm 2021 đã khép lại hai năm Việt Nam bền bỉ trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề và bộc lộ những yếu điểm mang tính chiều sâu. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc sát sao của các cơ quan hữu quan, thị trường lao động đã liên tục được tiếp sức, được hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa để vận hành hiệu quả nhất trong bối cảnh dịch bệnh.
Bài viết “Thị trường lao động 2021: Khi sức bền thử thách cùng đại dịch” của tác giả Chu Thị Lê Anh và Vũ Thị Hằng đăng trên báo Nhân dân điện tử ngày 31/12/2021 đã tổng kết lại những dấu ấn của thị trường lao động – việc làm Việt Nam theo từng làn sóng bùng phát dịch bệnh. Những kết quả đạt được đã khẳng định những nỗ lực không mệt mỏi của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như người lao động và doanh nghiệp chống chọi với đại dịch, sức bền cũng như khả năng phục hồi và phát triển như kỳ vọng của thị trường lao động trong “trạng thái bình thường mới”.
Cuối năm 2020, thị trường lao động – việc làm Việt Nam ghi nhận những dấu hiệu phục hồi sau 02 đợt dịch đầu tiên, cùng sự hỗ trợ kịp thời của những quyết sách chưa có tiền lệ của Chính phủ, bao gồm Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đầu năm 2021, tiếp đà phục hồi, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 176/2021/QĐ-TTg về Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, xác lập quan điểm và mục tiêu lâu dài cho việc xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, đồng bộ và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở một số địa phương trong Quý I và những tác động không còn mang tính tạm thời của đại dịch từ cuối Quý II/2021 đã khiến số lao động có việc làm tiếp tục giảm, trong khi tỷ lệ lao động thiếu việc làm và có việc làm phi chính thức, sau nhiều năm giảm liên tục, lại gia tăng. Trước tình hình đó, Chính phủ nhanh chóng ban hành tiếp Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch bao gồm 12 chính sách đa dạng về hình thức hỗ trợ, bao phủ tương đối đầy đủ các đối tượng bị ảnh hưởng, góp phần phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Đợt dịch thứ tư này cũng là cú sốc mạnh nhất thử thách sức bền của thị trường lao động Việt Nam. Những yếu điểm mang tính chiều sâu của thị trường bộc lộ rõ nét: (i) độ bao phủ của lưới an sinh xã hội cho người lao động còn thấp; (ii) người lao động rời bỏ nơi làm việc do sự phát triển của lực lượng lao động trong khu vực công nghiệp không gắn với quá trình đô thị hóa; (iii) khả năng kết nối cung - cầu lao động tiếp tục là vấn đề nhức nhối cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cả người lao động; (iv) chất lượng lao động còn ở mức thấp, chưa có sự đồng đều giữa các vùng miền, ngành nghề. Những điểm yếu này khiến thị trường lao động bị tổn thương nặng nề, hàng loạt kỷ lục tiêu cực được xác lập.
Đứng trước bối cảnh đó, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động và tích cực đề xuất, ban hành, triển khai rất nhiều chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo sự hoạt động lành mạnh, liên tục của thị trường. Điển hình nhất là Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg huy động nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp là một trong các quyết sách quan trọng đó.
Thị trường lao động cơ bản đi vào giai đoạn ổn định thích ứng với trạng thái bình thường mới vào Quý IV/2021. Lúc này, vấn đề thiếu hụt lao động cục bộ trở thành sức cản lớn trong phục hồi kinh tế - xã hội. Các giải pháp kết nối thị trường được Chính phủ sát sao chỉ đạo, hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh/thành phố cố gắng hết sức hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và người lao động để đảm bảo chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn.
Cuối cùng, năm 2021 khép lại bằng Quyết định 1405/QĐ-LĐTBXH với 06 giải pháp chính nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, không chỉ cố gắng xử lý các vấn đề bề nổi của thị trường mà còn giải quyết cả những điểm yếu mang tính chiều sâu để tiếp sức và tăng sức bền cho thị trường lao động trong giai đoạn tiếp theo./.
----------------
Bài viết xem chi tiết tại: