top of page

Hỗ trợ thị trường lao động phục hồi sau đại dịch: Kinh nghiệm từ các quốc gia

Đại dịch Covid-19 đang làm bộc lộ ngày càng sâu sắc những vấn đề của thị trường lao động các quốc gia. Chính phủ các nước đã và đang nỗ lực thực hiện đa dạng chính sách hỗ trợ người lao động, bảo vệ việc làm để chuẩn bị sẵn sàng cho phục hồi kinh tế. Bài viết tổng kết kinh nghiệm chính sách của các quốc gia làm bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Hỗ trợ thị trường lao động phục hồi sau đại dịch: Kinh nghiệm từ các quốc gia

Bài viết “Hỗ trợ thị trường lao động phục hồi sau dịch: Kinh nghiệm từ các quốc gia” của ThS Chu Thị Lê Anh và ThS Bùi Mỹ Linh được đăng trên Báo Nhân dân ngày 24/9/2021 trong bối cảnh các tỉnh thành phố đang lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách, khôi phục dần hoạt động sản xuất, kinh doanh.


Khái quát tình hình lao động – việc làm toàn thế giới, bài viết nhận định, thị trường lao động không những chịu ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch với tình trạng thiếu việc làm phổ biến, mà ngay cả khi kinh tế hồi phục thì việc làm mới được tạo ra sự báo sẽ có năng suất thấp và chất lượng kém. Tình trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự gián đoạn trong thị trường lao động.


Đứng trước tác động tiêu cực đó, hơn 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tích cực triển khai hơn 3.333 biện pháp hỗ trợ người lao động theo nhiều hình thức đa dạng và quy mô khác nhau. Có thể tổng kết lại thành ba nhóm chính sách chính: (i) nhóm chính sách hỗ trợ xã hội bằng tiền mặt, phiếu mua hàng, miễn/hoãn thanh toán tiện ích; (ii) nhóm chính sách bảo hiểm xã hội thông qua miễn/hỗ trợ nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế, v.v. và đáng nói hơn cả là (iii) nhóm chính sách thị trường lao động tích cực như trợ cấp tiền lương, giảm thời gian làm việc, đào tạo kỹ năng, v.v.


Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm duy trì nhu cầu về lao động như miễn, giảm thuế và các khoản tín dụng, hỗ trợ chi phí, cung cấp thanh khoản cho doanh nghiệp nhằm ngăn chặn phá sản, khuyến khích khởi nghiệp cũng được một số quốc gia tích cực triển khai.


Trong tương quan với phản ứng chính sách của các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, trước nguy cơ rõ rệt của việc xáo trộn cơ cấu thị trường lao động, Nhà nước đã kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp ở quy mô và mức độ nhất định phù hợp với hoàn cảnh và tình hình thực tế. Cụ thể, đối với người lao động, các chính sách hỗ trợ bằng tiền được ban hành ngay trong làn sóng bùng phát dịch đầu tiên. Tiếp sau đó là nhiều biện pháp bổ sung như  hỗ trợ cho người lao động mang thai, cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch, hỗ trợ chi phí xét nghiệm, cách ly hay giảm giá điện, nước sạch, dịch vụ viễn thông, v.v..


Đối với doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ chi phí cho người sử dụng lao động như miễn/hoãn các nghĩa vụ đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu  trí và tử tuất, v.v. cũng nhanh chóng được triển khai. Đặc biệt, gần đây nhất, cơ chế hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cùng với những chính sách hỗ trợ tín dụng, nghĩa vụ thuế, v.v. cũng liên tục được bổ sung cho thấy nỗ lực không nhỏ từ phía Nhà nước.


Đánh giá cao các nỗ lực kể trên, các tác giả nhận định, trong bối cảnh thị trường lao động Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn và thách thức do dịch bệnh, để có thể khôi phục kinh tế nhanh nhất trong trạng thái “bình thường mới”, các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp cần đi sâu hơn vào cơ chế chuẩn bị sẵn sàng cung - cầu lao động, nâng cao chất lượng lao động và chuyển dịch cơ cấu việc làm theo hướng bền vững./.


----------------

Xem thêm về bài viết tại:

https://special.nhandan.vn/hotrothitruonglaodong/index.html

bottom of page